10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa đưa ra 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2016 như: Luật Trẻ em và Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực, đổi mới chính sách người có công...
Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua
Luật trẻ em (sửa đổi) gồm 7 chương, 106 điều, được Q​uốc hội thông qua ngày 5/4 tại kỳ họp 11, ​Quốc hội khoá XIII. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.

Luật đã đưa ra những quy định có liên quan đến trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, hỗ trợ trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

Riêng về độ tuổi trẻ em, Luật Trẻ em tiếp tục giữ nguyên là dưới 16 tuổi chứ không điều chỉnh tăng lên 18 tuổi như dự thảo trước đó.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)
Đo lường nghèo đa chiều
Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai với khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đổi mới về giải pháp, phương thức thực hiện. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng kinh phí thực hiện là 48.397 tỷ đồng.

Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2020, tiêu chí đánh giá hộ nghèo chuyển đổi từ phương thức đo lường đơn chiều về thu nhập sang tiếp cận phương pháp đo lường đa chiều, bao gồm việc ước lượng thu nhập và thu thập thông tin về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 2Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 có nhiều thay đổi về chính sách. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đổi mới trong phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong năm 2016, những vụ việc đập phá, bỏ trốn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội liên tục xảy ra tại các cơ sở cai nghiện tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... đặt ra những khó khăn, thách thức đòi hỏi ngành lao động-thương binh và xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đưa ra những giải pháp phù hợp.

Trong thời gian tới, cần phải có những giải pháp đột phá nhằm đổi mới mô hình cai nghiện, phân loại và có giải pháp cụ thể cho từng loại đối tượng; quy hoạch mạng lưới, đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, chữa trị cho cơ sở cai nghiện…

Trước đó, đầu năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Dự án Luật phòng, chống mại dâm.

Dự thảo Luật sẽ được xây dựng theo hướng coi mại dâm là một vấn đề xã hội. Do đó, khuôn khổ pháp lý sẽ tập trung cho việc tăng cường các hoạt động phòng ngừa; thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại và xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm thay đổi cuộc sống.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 3Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với học viên cai nghiện tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực
Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Luật có nhiều quy định mới như: Mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động hàng tháng là 1% của quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức…

Đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được mở rộng: Bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng…

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 4Hiện trường một vụ tai nạn lao động. (Ảnh minh họa: Vietnam+)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý các trường nghề
Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên) từ 1/1/2017.

Tất cả 234 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp đang trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với gần 800.000 học sinh, sinh viên sẽ chuyển sang Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 5(Ảnh minh họa: TTXVN)
Gỡ khó trong thực hiện chính sách người có công
Trong năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thí điểm áp dụng hướng xử lý hồ sơ đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sỹ còn tồn đọng hàng chục năm qua theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” ở 5 tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An.

Nhằm giải quyết những khó khăn, bức xúc về nhà ở đối với người có công, Quốc hội cũng đã quyết định bố trí 7.300 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện, đồng thời giao Chính phủ, trong trường hợp cần thiết, ưu tiên bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2017-2018..

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 6(Ảnh minh họa: TTXVN)
Đăng cai tổ chức các sự kiện khu vực về lao động và xã hội
Nhằm tăng cường hội nhập, hợp tác trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, từ ngày 26-28/4/2016, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Ban điều phối Mạng thông tin ASEAN (ASEAN- OSHNET) về An toàn vệ sinh lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đăng cai tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia ASEAN và 3 nước đối thoại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị đối với các nước thành viên cần đồng bộ phát triển khung pháp lý, các tiêu chuẩn và thực thi hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động.

Cũng trong năm 2016 , từ ngày 20 - 23/6/2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, tổ chức thành công Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 4 với chủ đề “Một ASEAN - Một tầm nhìn vì trẻ em” nhằm góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN thân thiện, gần gũi với mọi trẻ em trong khu vực; tăng cường sự tham gia của trẻ em, lắng nghe tiếng nói của trẻ em và thúc đẩy thực hiện các quyền của trẻ em.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 7Diễn đàn trẻ em ASEAN lần thứ tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lần đầu tiên tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới
Với chủ đề "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái", Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được triển khai từ ngày 15/11 đến 15/12/2016 đã thu hút được sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, mọi người dân, trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Trước đó, để tiếp tục thúc đẩy công tác bình đẳng giới, ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1464/QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020: 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 50% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp, hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 8(Ảnh minh họa: UN Women)
Bảo đảm cứu trợ kịp thời cho người dân 
Năm 2016, trước những rủi ro, ảnh hưởng và hậu quả của thiên tai, hạn hán và cá chết do sự cố môi trường tại các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có những giải pháp nhằm cứu trợ kịp thời cho người dân không để người dân nào bị thiếu đói, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Chính phủ đã hỗ trợ gần 17.489 tấn gạo để cứu đói giáp hạt cho 1,133 triệu người.

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát thực tế tình hình đời sống người lao động hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến dịch vụ nghề cá để tìm giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Công tác cứu trợ đột xuất tiếp tục thể hiện rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, qua đó góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 9Trao quà hỗ trợ gia đình ông Dương Kim Danh, thôn Trung Thượng, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Tạo bước đột phá về xuất khẩu lao động
Năm 2016, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tạo được những đột phá về thị trường xuất khẩu lao động, mở ra cơ hội đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nhiều thị trường mới, giàu tiềm năng như: Thái Lan, Lào, Australia, Isarel...

Đối với các thị trường truyền thống, việc ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (dành cho lao động phổ thông) sau 3 năm hạn chế tiếp nhận, mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tự nguyện hồi hương.

Cơ hội cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản tiếp tục được mở rộng, sau khi nước này thông qua dự luật cho phép bỏ thời hạn 3 năm đối với việc thuê lao động tạm thời.

Dự kiến, tổng số lao độg Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016 ước đạt trên 120.000 lao động, vượt 120% so với kế hoạch đề ra.

10 sự kiện nổi bật ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2016 ảnh 10(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục