100 năm Nefertiti

Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti vẫn quyến rũ sau 100 năm

Bảo tàng Berlin của Đức đã khai trương triển lãm nhân dịp tròn 100 năm kể từ ngày tìm ra bức tượng Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti.
Thủ đô Berlin của Đức đã khai trương một cuộc triển lãm lớn trong ngày 6/12 để ăn mừng 100 năm kể từ ngày tìm ra tượng Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti, trong bối cảnh cuộc xung đột với Ai Cập về quyền sở hữu bức tượng đã 3.400 năm tuổi này tiếp tục tăng nhiệt. Cuộc triển lãm diễn ra tại Bảo tàng mới của thành phố sẽ có sự góp mặt của tượng Nefertiti, được xem là tác phẩm mô tả gương mặt của người phụ nữ đắt giá nhất chỉ sau tranh Mona Lisa, cùng các món đồ khác được những nhà khảo cổ học Đức mang về nước sau khi phát hiện tượng vào ngày 6/12/1912. Chúng gồm các món nữ trang chưa từng được cho công chúng chiêm ngưỡng trong giai đoạn Amarna, được Ludwig Borchardt khai quật và đã cho nhiều bảo tàng mượn lại, gồm Bảo tàng nghệ thuật đô thị New York, Bảo tàng Louvre ở Paris và Bảo tàng Anh ở London. Nefertiti, nổi tiếng là một trong những người đẹp nhất trong lịch sử, là vợ của Pharaoh Akhenaton. Ông này đã biến vương quốc của mình theo thuyết đơn thần và chỉ thờ mỗi thần Mặt trời Aton. Bức tượng Nefertiti rất dễ vỡ và có giá trị cao tới mức Đức đã cấm cho mượn nó. Đây cũng là tác phẩm có sức hút lớn nhất ở bảo tàng được mở cửa lại hồi năm 2009 này, sau thời gian dài được kiến trúc sư ngôi sao người Anh David Chipperfield tiến hành trùng tu, nâng cấp. Bảo tàng hiện đang thu hút 1 triệu du khách mỗi năm. Bức tượng bán thân làm từ đá vôi và thạch cao, được trưng bày ở cuối một hành lang dài, dưới ánh đèn mờ, có đôi mắt hình hạt dẻ đẹp choáng váng - với con mắt bên phải đã mất đi phần mống mắt, chiếc mũi khoằm, phần xương gò má nhô cao, đôi môi gợi cảm và một chiếc vương miện cỡ lớn màu xanh, với các dải màu trang trí màu đỏ, xám và vàng. Đôi tai bị cụt của bức tượng là những dấu hiệu hư hại lớn nhất sau hàng thế kỷ tồn tại. Bức tượng này nằm ở đầu một danh sách 5 cổ vật lớn đang được triển lãm ở nước ngoài mà Ai Cập muốn đưa trở lại nước này. Nhưng các quan chức Berlin đã khẳng định việc họ có các tài liệu cho thấy vương quốc Prussia trước kia đã sở hữu bức tượng một cách hợp pháp. "Hoàn toàn không có nghi ngờ gì về việc Nefertiti thuộc về nền tảng di sản văn hóa của Berlin" -  Bộ trưởng Văn hóa Đức Bernd Neumann nói với các phóng viên trong buổi duyệt cuộc triển lãm mang tựa đề "Dưới ánh sáng của Amarna." Neumann cũng cho biết việc giành quyền sở hữu bức tượng kéo dài có thể "dẫn tới hỗn loạn" và khẳng định rằng Berlin rất có trách nhiệm trong việc bảo tồn vĩnh viễn bức tượng. "Câu hỏi thực sự về việc Nefertiti thuộc về ai rất dễ trả lời - tượng thuộc về tất cả chúng ta" - ông nói. Giám đốc Bảo tàng Ai Cập ở Berlin, vốn nằm trong Bảo tàng mới, ông Friederike Seyfried, cho rằng các cuộc nổi dậy trong khuôn khổ làn sóng biểu tình Mùa xuân Arập đã ngăn cản hoạt động hợp tác với Ai Cập để tổ chức cuộc triển lãm. Bà cũng bày tỏ hy vọng việc hợp tác sẽ sớm được khôi phục.
Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti vẫn quyến rũ sau 100 năm ảnh 1
Nefertiti là gương mặt phụ nữ giá trị nhất chỉ sau họa phẩm Mona Lisa (Nguồn: AFP)
Amarna là phế tích của thành phố cổ đại được Akhenaton thành lập. Đây là nơi Borchardt và đội khảo cổ của ông thu được hơn 7.000 hiện vật khảo cổ và khoảng 5.500 trong số đó đã được đưa về Berlin. Cuộc triển lãm ở Berlin sẽ kéo dài tới ngày 13/4 và gồm hơn 1.000 hiện vật trong số đó, gồm các tấm gạch lát phòng thuộc về cung điện hoàng gia, với các hoa văn họa tiết đẹp mắt, các món nữ trang và đồ gốm. Khách tham quan cũng sẽ rất mong đợi việc được chiêm ngưỡng một bức tượng bán thân mới được sửa chữa của Akhenaton. Cuộc triển lãm sẽ gồm các hiện vật liên quan tới tín ngưỡng và nghệ thuật của thời đại Akhenaton, bao gồm nhiều tác phẩm thu dược từ xưởng làm việc của Thutmose, người đã tạc tượng Nefertiti, cũng như các hiện vật nói về đời sống thường nhật của người dân Amarna. Triển lãm còn giúp hé lộ ánh sáng về công việc của James Simon, một nhà hảo tâm Do thái đã rót vốn cho hoạt động nghiên cứu của Borchardt và sự đóng góp của ông đã gần như bị xóa sổ dưới thời phát xít Đức cầm quyền./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục