100% số xã nông thôn, miền núi đã có trường tiểu học

Thời gian qua, Việt Nam đã rất chú trọng phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, kết quả bộ mặt nông thôn miền núi đã thay đổi rõ rệt với 84% số xã khó khăn có điện lưới, 100% xã có trường tiểu học.
100% số xã nông thôn, miền núi đã có trường tiểu học ảnh 1Ban Kinh tế Trung ương Ký kết chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc. (Ảnh: Thanh Liêm)

Chiều 19/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Dân tộc đã có cuộc làm việc, trao đổi về công tác dân tộc và thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về chính sách dân tộc và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014-2020 giữa hai cơ quan.

Theo ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng-Chủ nhiệm, nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, hiệu quả của chính sách dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc vùng núi có những bước chuyển biến quan trọng. Tình hình chính trị, xã hội được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, đồng bào dân tộc tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo đó, quá trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả như mong đợi, từ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp là chính, đến nay vùng dân tộc và miền núi bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, một số nơi đã xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả, xuất hiện nhiều hộ dân tộc tiểu số làm kinh tế giỏi.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2010-2015).

Bộ mặt nông thôn miền núi cũng đã thay đổi rõ rệt, 97,42% xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã; 84% số xã đặc biệt khó khăn có điện lưới; 98,7% xã có bưu điện văn hóa xã và 100% xã có máy điện thoại; phủ sóng phát thanh được trên 90% và gần 80% sóng truyền hình…100% số xã có trường tiểu học đồng thời 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; gần 70% trạm y tế xã có y, bác sỹ, bảo hiểm y tế cho đồng bao dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, người nghèo vùng dân tộc miền núi cơ bản được giải quyết.

Tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, “vùng dân tộc miền núi của Việt Nam có diện tích rất lớn với 54 dân tộc sinh sống. Phải nói đây là vùng có chiến lược đặc biệt quan trọng, có tiềm năng lớn về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số có truyền thống yêu nước và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.”

Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Ủy ban Dân tộc có vai trò rất lớn trong thực hiện chính sách dân tộc cũng như phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc. Trong thời gian qua, đã có sự tăng cường, kiện toàn bộ máy, hệ thống tổ chức của Ủy ban Dân tộc, chỉ đạo điều hành hết sức quyết liệt về công tác dân tộc.

Theo ông Huệ, Ban Kinh tế Trung ương rất quan tâm tới công tác dân tộc và đã có chương trình rà soát đánh giá về chính sách an sinh xã hội trong 10 năm, trong đó có chính sách giảm nghèo, có liên quan rất nhiều đến công tác dân tộc, miền núi.

Hiện, Ban Kinh tế Trung ương cũng đang tập trung quyết liệt nghiên cứu, tham mưu những vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới đây Ban Kinh tế Trung ương sẽ làm hết sức mình để phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ công tác của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và những chính sách đối với người dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục