2013: Các đầu tàu kinh tế có ra khỏi "ngủ đông"?

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới, Phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng… Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, giảm vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa và việc xây dựng các đề án tái cơ cấu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp diễn ra còn rất chậm, đặc biệt là cổ phần hóa.

Trong bối cảnh không ít "đầu tàu kinh tế" gặp thua lỗ, thì một số ít đơn vị nhờ vào hoạt động cơ cấu nguồn lực giữ tỷ suất lợi nhuận cao.
Sáng nay (16/1), Hội nghị thường niên giữa Chính phủ và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Quang Vinh, năm 2012 nhìn chung các tập đoàn, tổng công ty đã có những nỗ lực để đạt được kế hoạch đặt ra trong năm 2012.

Tỷ suất lợi nhuận thấp

Trong tổng số 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước hiện có 2.040 doanh nghiệp với tổng số lao động lên trên 1 triệu người, thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/lao động.

Tổng doanh thu năm 2012 ước đạt 1.781 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 185 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 254 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạt 14,84% và giảm 4,16% so với năm 2011.

Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới, Phát triển doanh nghiệp, lỗ phát sinh trong năm 2012 của các đơn vị là 2.253 tỷ đồng. Mười đơn vị có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính, tổng lỗ lũy kế của các “ông lớn” này đến cuối 2012 là 17.730 tỷ đồng.

Song, so với báo cáo năm 2011, tình hình lỗ cũng đã được cải thiện đáng kể (năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.988 tỷ đồng, trong đó EVN đóng góp phần 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng).

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới, Phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng… Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, giảm vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa và việc xây dựng các đề án tái cơ cấu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp diễn ra còn rất chậm, đặc biệt là cổ phần hóa.

Đáng chú ý, thực trạng cơ cấu tổ chức, quản lý của nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn rất cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng lớp. Công tác quản trị doanh nghiệp thiếu chuyển biến dẫn đến tình trạng những tập đoàn, tổng công ty làm ăn thô lỗ kéo dài.

Trong bối cảnh không ít "đầu tàu kinh tế" gặp thua lỗ, thì một số ít đơn vị nhờ vào hoạt động cơ cấu nguồn lực giữ tỷ suất lợi nhuận cao.

Trụ vững nhờ... cơ cấu nguồn lực

Đáng chú ý, một số tập đoàn, tổng công ty nhờ vào hoạt động cơ cấu nguồn lực đã lội ngược dòng thành công và đạt được mức tỷ suất lợi nhuận rất cao như Công ty du lịch Sài Gòn (62,37%), Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực Vật Việt Nam (62,02%), Tập đoàn Viễn thông quân đội (43,56%), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (36,42%).

Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (Viettel) cho biết, để đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong một năm đầy thách thức như 2012 là nhờ chiến lược tập trung khai thác khu vực thị trường ngách không chỉ trong nước mà cả bên ngoài.

Được biết, Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh việc nâng cao cạnh tranh tại thị trường trong nước, Viettel đã đầu tư ra  3 nước châu Á, 2 nước châu Phi và một nước Mỹ La Tinh và đạt được thành công lớn, góp phần hình thành chiến lược quốc gia về đầu tư ra nước ngoài.

Cụ thể, doanh thu đầu tư nước ngoài của Tập đoàn đạt gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%, lợi nhuận mang về nước 75 triệu USD, tăng trưởng 85%. Kế hoạch 2013, Vietteo dự kiến xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng.

“Trong xu thế cạnh tranh gay gắt, sản xuất đại trà thì thua Trung Quốc, nhưng đi sâu vào phân khúc thì có thể tồn tại được. Với chiến lược đó, năm 2012 Viettel đã thiết kế, chế tạo và cho ra 10 sản phẩm nhãn hiệu hoàn toàn là của người Việt Nam.

Nhờ có cơ chế tiền lương tự chủ Tập đoàn đã tiếp nhận được 26 tiến sỹ từ nước ngoài về. Năm 2013, chúng tôi dự kiến sẽ đưa ra 10 – 15 sản phẩm mới nhãn hiệu Việt Nam, như một minh chứng người Việt Nam cũng có thể sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao.” ông Xuân nói.

Chất lượng lao động đóng vai trò chủ đạo trong phát triển doanh nghiệp đang trở thành định hướng chiến lược của không ít các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đại diện, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng báo cáo tại Hội nghị, nền kinh tế toàn cầu còn biến động bất thường, Vietnam Airlines sẽ thực hiện chính sách điều hành linh hoạt, bám sát thị trường.

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2011 và 2012, Vietnam Airlinea chủ trương không tăng thêm lao động đồng thời thực hiện cơ cấu lại nguồn lực.

“Tới thời điểm này, công tác bảo dưỡng, sửa chữa đã được chuyên gia nước ngoài chuyển giao toàn bộ cho người Việt Nam và vẫn đảm các tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2012, số lượng phi công là người nước ngoài trong hãng đã giảm 10%. Dự kiến, tới 2015 số lượng phi công là người Việt sẽ nâng lên 80% (năm 2012 là 56%).

Đánh giá những thành quả đạt được của Viettel và so sánh với Tập đoàn Viễn Thông Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, VNPT là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhưng trình độ chuyên môn thấp (trong 77.619 lao động có tới 16,75% là trung cấp và 33,12% là trình độ khác). Trong khi ở Viettel số lao động sơ cấp và phổ thông trung học chỉ khoảng 10%.

Về bộ máy quản lý, Viettel hoạt động hiệu quả hơn nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành doanh nghiệp đồng thời mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước đã được chuyển khai đồng bộ, tránh được tình trạng thất thoát và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Từ phân tích trên đã cho thấy, trong cùng ngành, lĩnh vực, nhưng nếu doanh nghiệp có định hướng chiến lược đúng đắn và quản trị doanh nghiệp tốt thì kết quả sẽ khác nhau và vẫn sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng.

Các “ông lớn” đồng loạt giảm chỉ tiêu kế hoạch


Theo nhận định của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2013 tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, Chính phủ kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên sức mua vẫn sẽ tiếp tục tăng chậm.

Với tình hình đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều đã có những điều chỉnh thực tế và thận trọng hơn trong xây dựng kế hoạch năm. Tập hợp chung, 73 tập đoàn, tổng công ty đã đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm so với 2012, tương ứng là 95,89%, 79,91% và 79,06%.

Nếu tính theo khối các Bộ quản lý, khối tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có mức độ giảm sút về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải giảm sút về kế hoạch ngân sách.

Trái lại, khối tổng công ty cổ phần hóa, theo dự kiến các chỉ tiêu lại đều có mức phấn đấu tăng nhẹ so với thực hiện của năm 2012. Cụ thể doanh thu đạt 107,32%, lợi nhuận trước thuế 117,19,  nộp ngân sách 102,3% đồng thời số lao động cũng ước đạt mức 102,1%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 30% GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8 tổng thu nội địa. Do đó, xu hướng suy giảm kế hoạch như trên có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Trước tình hình đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có chung mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn, như đổi mới cơ chế tiếp cận nguồn vốn  của ngân hàng thương mại, làm rõ cơ chế thoái vốn, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch một số ngành đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước cần nghiêm túc khắc phục trong thời gian tới  đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ năm 2013, doanh nghiệp nhà nước phải là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.

Theo đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp đồng thời quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được phê duyệt./.

Duy Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục