2015 - Năm "bản lề" với những trọng trách và thành công của LHQ

Liên hợp quốc đã có một năm "bản lề" khi thông qua được một loạt chương trình có tính bước ngoặt để thúc đẩy sự phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, giải quyết xung đột và hỗ trợ nhân đạo.
2015 - Năm "bản lề" với những trọng trách và thành công của LHQ ảnh 1Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: flickr)

Năm 2015, thế giới phải tiếp tục đương đầu với những thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi... đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã có một năm "bản lề" khi thông qua được một loạt chương trình có tính bước ngoặt để thúc đẩy sự phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, giải quyết xung đột và hỗ trợ nhân đạo.

Thành tích ấn tượng nhất của Liên hợp quốc trong năm 2015 là chương trình nghị sự phát triển bền vững được 193 nước thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng Chín vừa qua.

Là kết quả của quá trình thương lượng tích cực trong hơn hai năm của các nước thành viên, chương trình đề ra 17 mục tiêu chung và 169 chỉ tiêu cụ thể, như xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, sức khỏe, nâng cao phúc lợi, bảo đảm giáo dục có chất lượng, đạt được bình đẳng về giới, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả và dài hạn, khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên Trái Đất.

Để thực hiện 17 mục tiêu đầy táo bạo này, chương trình cũng đã đề ra những mốc thời gian hết sức cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói.

Thỏa thuận về biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris (Pháp) trong tháng 12 là thành tích ấn tượng thứ hai của Liên hợp quốc trong năm qua. Thỏa thuận khí hậu Paris bao gồm hai điểm nổi bật, đó là giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C và dành 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận Paris cũng đòi hỏi các nước đệ trình lại cam kết giảm khí thải vào năm 2020 để phù hợp với các đề xuất IPCC đưa ra và ứng dụng những phát triển khoa học công nghệ mới. Từ năm 2020, cứ sau 5 năm, các nước phải điều chỉnh lại mục tiêu giảm khí thải.

Tuy nhiên, không ít ý kiến hoài nghi rằng chương trình nghị sự phát triển bền vững và thỏa thuận biến đổi khí hậu vượt ra ngoài khả năng hiện thực hóa của nhiều quốc gia. Trước hết là những thách thức đặt ra đối với tiến trình thực thi chương trình nghị sự phát triển bền vững.

Thách thức đầu tiên chính là việc tạo dựng một môi trường hòa bình trên quy mô toàn cầu, điều kiện tiên quyết để có được sự phát triển bền vững. Để đạt được điều này, cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết được hai vấn đề: xóa bỏ các "điểm nóng" và ngăn ngừa xung đột.

Thế nhưng, thực tế một năm qua cho thấy các "điểm nóng" đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới đều có xu hướng nghiêm trọng hơn. Điển hình là cuộc nội chiến tại Syria không chỉ dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà còn có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh thế giới mới với việc đang có quá nhiều lực lượng can dự với những toan tính khác nhau.

Chủ nghĩa khủng bố trong năm qua cũng trỗi dậy dữ dội hơn bao giờ hết với hàng loạt vụ tấn công khủng bố dồn dập xảy ra tại nhiều nơi, đe dọa an ninh trên toàn thế giới. Đáng tiếc là đúng vào lúc cộng đồng quốc tế cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết để hóa giải những "điểm nóng" và chung tay góp sức để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố thì các quốc gia vẫn không tìm được tiếng nói chung, thậm chí còn gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho an ninh thế giới.

Bất đồng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Syria, hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông, tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới hoạt động do thám mạng và quyền tự do hàng hải..., tất cả những mâu thuẫn này nếu không được kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến những rủi ro khôn lường, thậm chí là chiến tranh, khiến cho việc thực thi chương trình nghị sự phát triển bền vững trở thành sứ mệnh bất khả thi.

Thách thức tiếp theo đến từ việc cần bảo đảm sự phát triển hài hòa, trước hết là công cuộc xóa đói giảm nghèo, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Những thành công to lớn trong khoa học-công nghệ vẫn chưa thể giúp loại bỏ tình trạng nghèo đói trên thế giới, trong khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, kể cả trong nội bộ những nước phát triển.

Sự gia tăng mạnh mẽ của quá trình hợp tác, liên kết quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận thương mại tự do, chưa tạo ra được bức tranh cùng nhau phát triển giữa các nước, mà đặt ra nhiều nguy cơ cho những quốc gia nghèo trong cuộc cạnh tranh thị trường với những nước phát triển.

Hai thách thức trên giống như câu chuyện "con gà và quả trứng," tạo nên vòng tròn luẩn quẩn. Vòng luẩn quẩn đó chỉ có thể được phá vỡ khi các quốc gia nghiêm túc thực thi chương trình nghị sự phát triển bền vững, thay vì coi đây chỉ là một chương trình trên giấy.

Tương tự, thỏa thuận chống biến đổi khí hậu cũng đang đứng trước những câu hỏi về tính khả thi. Nhìn chung, giới chuyên gia nhận định đây mới chỉ là bước khởi đầu cần thiết, chứ chưa phải phương thuốc chữa trị "căn bệnh" khí hậu của Trái Đất.

Và để thỏa thuận được thành công, Liên hợp quốc cùng các quốc gia phải giải quyết được hai vấn đề căn bản, đó là lòng tin và tài chính. Lòng tin rằng các quốc gia khác đang hành động theo đúng cam kết cắt giảm khí thải và các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, cần được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cho những công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính là một vấn đề khó khăn do nguồn tài chính sẽ được huy động như thế nào, trong khi thỏa thuận biến đổi khí hậu đặt mục tiêu tài trợ cho các quốc gia đang phát triển mỗi năm 100 tỷ USD để chống biến đổi khí hậu.

Những thách thức kể trên cho thấy con đường sau mốc "sinh nhật" 70 năm tuổi của Liên hợp quốc sẽ không hề bằng phẳng với vô số vấn đề cần phải giải quyết để có thể biến những cam kết thành hành động cụ thể. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những thành quả đã đạt được trên chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, cùng với nguồn lực to lớn hiện có của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này, chúng ta có thể tin tưởng rằng 193 thành viên Liên hợp quốc sẽ vượt qua được những trở ngại để cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục