2017: Các ngân hàng trung ương có thể bớt can thiệp vào thị trường

Theo dự đoán của tờ The Wall Street Journal, trong năm 2017, đối với nhiều thị trường, kỷ nguyên các ngân hàng trung ương can thiệp vào các thị trường sắp đến hồi kết thúc.
2017: Các ngân hàng trung ương có thể bớt can thiệp vào thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Europa)

Theo dự đoán của tờ The Wall Street Journal, trong năm 2017, đối với nhiều thị trường, kỷ nguyên các ngân hàng trung ương can thiệp vào các thị trường sắp đến hồi kết thúc.

Các thị trường có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của các ngân hàng trung ương với những chính sách chi phối các hoạt động giao dịch trái phiếu, cổ phiếu và một số tài sản khác trong suốt mấy năm gần đây. Điều này báo hiệu nhưng thay đổi lớn trong các toan tính chiến lược của các nhà đầu tư.

Trong một thời gian dài, lãi suất cực thấp cũng với hoạt động mua tài sản của các ngân hàng trung ương đã làm tăng giá trị trái phiếu và cổ phiếu an toàn. Giờ đây, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng rằng triển vọng kinh tế khởi sắc sẽ có lợi cho các tài sản nhiều rủi ro hơn, đổi lại trái phiếu và các cổ phiếu an toàn sẽ kém hấp dẫn hơn.

Giới phân tích cũng dự đoán các nhà đầu tư sẽ tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận công ty và những rủi ro tín dụng, thay vì dành thời gian hơn cho việc phân tích từng từ trong những tuyên bố của các ngân hàng trung ương.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương đã tiến hành những chương trình mua tài sản ồ ạt và duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử hoặc thậm chí ở mức âm để giúp kích thích tăng trưởng và lạm phát.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản hiện mỗi tháng mua vào số trái phiếu chính phủ và công ty trị giá 84 tỷ USD, và thậm chí còn mua cả cổ phiếu. Ngân hàng trung ương Anh cũng mua trái phiếu chính phủ và công ty. Tuy nhiên, hiện tại các nhà đầu tư đã nhìn thấy giới hạn của các chương trình kích thích kinh tế.

Đơn cử như hồi tháng 12/2016, Ngân hàng Trung ương châu Âu gia hạn chương trình mua vào trái phiếu, song có kế hoạch giảm bớt quy mô bắt đầu tư tháng Tư tới, trong bối cảnh có những quan ngại rằng sắp hết tài sản để ngân hàng này mua vào.

Ngay sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và nói bóng gió về chính sách thắt chặt hơn trong tương lai. Một số nhà đầu tư dự đoán các chính phủ sẽ lấp chỗ trống mà các ngân hàng trung ương để lại và đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định tài chính. Giá hàng hóa cao hơn cũng làm tăng những dự đoán về lạm phát.

Vấn đề hiện nay là liệu các công ty có chứng tỏ được lợi nhuận đủ để các thị trường đánh liều với cổ phiếu của họ trong năm 2017. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu trong năm tới được dự đoán đứng ở mức cao kỷ lục đối với nhóm S&P 500 và phục hồi đối với nhóm Stoxx Europe 600, sau khi sụt giảm hồi cuối năm 2015.

Ông Nigel Bolton, người phụ trách quỹ của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock Inc nói: "Lợi nhuận đang có xu hướng phục hồi trên toàn thế giới. Hiện tại cổ phiếu của các công ty đang rất hấp dẫn."

Trong quý 3/2016, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2%, mức cao nhất trong 2 năm qua. Các nhà đầu tư cũng lạc quan hơn về các triển vọng kinh tế tại Khu vực đồng euro và Nhật Bản, hai khu vực từng tăng trưởng yếu ớt trong suốt mấy năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng ổn định 6,7% ở Trung Quốc trong ba quý của năm 2016 đã làm dịu những mối lo ngại trước đó về sự hạ cánh không an toàn của nền kinh tế.

2017: Các ngân hàng trung ương có thể bớt can thiệp vào thị trường ảnh 2Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Nguồn: MarketWatch)

Ông Fabio Bassi, nhà phụ trách chiến lược về lãi suất của châu Âu tại công ty J.P. Morgan Chase & Co, cho biết thực sự là các ngân hàng trung ương đang tiến tới ngừng can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, lợi nhuận của các công ty thường gây thất vọng và nếu năm 2017, các công ty lại gây thất vọng một lần nữa thì ngân hàng trung ương lại phải can thiệp trở lại.

Bên cạnh đó, các chính phủ khó có thể thực hiện các gói chi tiêu lớn do những hạn chế về chính trị, chẳng hạn như những lo sợ về nợ công tăng vọt.

Ông Didier Borowski, nhà phân tích của Amundi Asset Management, nhà đầu tư lớn nhất châu Âu, lưu ý nếu không xuất hiện nguy cơ suy thoái thì sẽ không có chuyện các chính phủ chấp nhận thâm hụt ngân sách để triển khai kế hoạch kích thích nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục