210 triệu USD phát triển thủy lợi và nông thôn vùng ĐBSCL

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL với tổng vốn đầu tư trên 210 triệu USD.
210 triệu USD phát triển thủy lợi và nông thôn vùng ĐBSCL ảnh 1Cống thủy lợi tại Cà Mau. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tại hội thảo “Giải pháp nạo vét trong vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi” tổ chức ngày 10/6 tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ này đã và đang triển khai thực hiện dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2011-2016) với tổng vốn đầu tư trên 210 triệu USD, trong đó có 160 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới và 50,3 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, mục tiêu của dự án nói trên là bảo vệ, nâng cao khả năng sử dụng nguồn nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm duy trì lợi ích từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, đồng thời thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hợp phần chính của dự án là quản lý và sử dụng hiệu quả nước; khôi phục và nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi tại 7 tỉnh, thành phố Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ.

Thông qua việc thực hiện dự án từ năm 2011 đến nay, hệ thống thủy lợi nội đồng, nhiều kênh cấp I, II đã được khôi phục, nâng cấp; phương thức canh tác của nông dân được cải thiện theo hướng hiệu quả hơn; việc vận hành, bảo dưỡng các công trình thủy lợi khoa học cũng tiến bộ hơn.

Hiện có nhiều công trình đang trong quá trình hoàn thiện hoặc chuẩn bị xây dựng như khép kín tuyến thủy lợi vùng Ô Môn - Xà No (Cần Thơ, Kiên Giang); xây dựng 62 cầu nông thôn tại Bạc Liêu, Sóc Trăng; hệ thống thủy lợi phía Đông Nàng Rền (Bạc Liêu); hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao (An Giang); đê bao bảo vệ vườn cây ăn quả (Cần Thơ); hệ thống thủy lợi tại Cà Mau.

Song song với phát triển thủy lợi, dự án còn giúp nông dân nâng cao nhận thức trong canh tác, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 10% thông qua áp dụng IPM.

Dự án còn góp phần nghiên cứu các tác động tiềm tàng từ hoạt động nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm đối với môi trường, trước hết là chất lượng nước tại khu vực Đông Nàng Rền, Quản Lộ-Phụng Hiệp… để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Cùng với đó, dự án còn cấp nước sạch cho 60.000 hộ, nâng cấp công trình vệ sinh cho 10.000 hộ và 35 trường học.

Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng các công trình thủy lợi, dân sinh thuộc dự án nói trên đã góp phần tăng năng lực tưới tiêu, giảm nhẹ úng lụt, cải thiện điều kiện, mức sống cho một bộ phận dân cư, cải thiện môi trường nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án “Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nằm trong khuôn khổ Hiệp định tín dụng số 4951-VN do Chính phủ Việt Nam ký kết với Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) ngày 13/7/2011, có hiệu lực từ ngày 7/10/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục