31% tân giáo sư, phó giáo sư Việt Nam đăng bài trên tạp chí quốc tế

Trong tổng số 522 nhà giáo vừa được Hội đồng chức danh Nhà nước trao chứng nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay, có 165 người có bài đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
31% tân giáo sư, phó giáo sư Việt Nam đăng bài trên tạp chí quốc tế ảnh 1Nghiên cứu khoa học vẫn đang được coi là một điểm yếu của giáo dục Việt Nam, cả ở các sinh viên và giảng viên. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong tổng số 522 nhà giáo vừa được Hội đồng chức danh Nhà nước trao chứng nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay, có 165 người có bài đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Đây là thông tin được ông ​Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho biết sáng nay, ngày 12/1, tại lễ trao chứng nhận cho các nhà giáo.

Thống kê của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng cho thấy, trong số 165 nhà giáo có bài đăng trên các tạp chí uy tín quốc thế có 19 nhà giáo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và 146 nhà giáo thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ.

Tổng số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế là 1.826 bài, trong đó lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chỉ có 15 bài, 1811 bài còn lại thuộc khoa học tự nhiên và công nghệ.

Trong 15 bài báo khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có 4 bài ở lĩnh vực giáo dục, 11 bài ở nhóm ngành sử học-khảo cổ học-dân tộc học.

Ngành có nhiều tân giáo sư, phó giáo sư có bài báo khoa học quốc tế nhất là y học với 25 người, hóa học-công nghệ thực phẩm với 20 người.

Ngành vật lý chỉ đứng thứ 3 về số tân giáo sư, phó giáo sư có bài báo khoa học quốc tế nhưng lại dẫn đầu về số lượng bài báo với 655 bài, tiếp đến là ngành công nghệ thông tin với 236 bài, ngành y học với 209 bài… 

Nhiều ngành không có thống kê nào về số lượng bài khoa học quốc tế nào, tiêu biểu như ngành kinh tế, dù ngành này có đến 56 người được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt này.

Cũng theo ông Nhung, đây là thống kê chưa thật đầy đủ. “Nhưng con số này đã thể hiện số ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư có công trình khoa học đăng trên các tạp chí uy tín năm nay đã tăng lên, nhất là ở các ngành khoa học tự nhiên, y học, công nghệ,” ông Nhung nói.

Ông Nhung cho biết, hội đồng các cấp đặt yêu cầu ngày càng cao về chất lượng khoa học của các ứng viên theo hướng hội nhập quốc tế. Việc xem xét, thẩm định ở các hội đồng đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, công tâm trên ba cấp độ, từ hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, hội đồng ngành đến hội đồng Nhà nước. Trong tổng số 681 nhà giáo gửi hồ sơ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư, có 522 người được công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ đạt là 76,65%, 159 người bị loại.

"Gần 1/4 tổng số ứng viên bị sàng lọc sau ba bước. Trong khi đó, ở bước một với 93 hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (giáo dục đại học) trên cả nước thì tỷ lệ đạt là gần 91%. Vì 91% lớn hơn 76,65% nên chúng ta phải lưu ý khi phân cấp từng bước cho các cơ sở giáo dục đại học để đảm bảo chất lượng khoa học," ông Nhung phân tích.

Đánh giá chủ trương phân cấp và giao quyền tự chủ từng bước việc xem xét, đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học là đúng và tiệm cận quốc tế, tuy nhiên giáo sư Trần Văn Nhung cho rằng vẫn cần cơ chế kiểm định.

"Trên thế giới, cùng với việc phân cấp và tự chủ đại học, dù cách làm có thể khác nhau, nhưng nước nào cũng có cơ chế kiểm định chất lượng đào tạo từ phổ thông lên đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và chất lượng xét, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư," ông Nhung nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục