35% số nạn nhân bị tai nạn giao thông là trẻ em

Hiếu động, không chấp hành luật là nguyên nhân chính khiến trẻ em vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Trung bình mỗi năm có khoảng 12.000 người chết và trên 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó trẻ em chiếm 35%.

Những con số đau lòng này được công bố tại cuộc hội thảo "Đại biểu dân cử với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức mới đây.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng tuyên truyền và hướng dẫn điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), cho rằng bên cạnh những nguyên nhân do người lớn điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành đúng quy định thì nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra mà các em vừa là nạn nhân, vừa chính là thủ phạm gây tai nạn.

- Ông có thể nói rõ hơn về những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc cho trẻ em?

Thượng tá Trần Sơn: Trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên thì hiếu động, lại thiếu sự hiểu biết về an toàn giao thông, không chấp hành quy tắc khi tham gia giao thông nên dễ xảy ra tai nạn.

Những nguyên nhân có thể là: đi dưới lòng đường, qua đường không chú ý quan sát, không đúng nơi quy định; đi sai phần đường; điều khiển xe đạp, mô tô, xe máy chở quá số người quy định; chưa đủ 12 tuổi vẫn đi xe đạp của người lớn; đi xe dàn hàng ngang vừa đi vừa đùa nghịchh; chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe gắn máy, xe mô tô....

Khi tai nạn giao thông xảy ra, nếu các em đang điều khiển hoặc ngồi trên xe máy, xe đạp mà không đội mũ bảo hiểm thì rất dễ xảy ra chấn thương sọ não dẫn tới tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

- 35% số nạn nhân bị tai nạn giao thông là trẻ em, đây là một tỷ lệ rất đáng lưu tâm, thưa ông?

Thượng tá Trần Sơn: Hiện nay, ở Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông. Do vậy, những con số đưa ra trong các báo cáo là khác nhau.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông có liên quan đến trẻ em nói riêng tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp. Việc chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông là một khó khăn lớn cho việc hoạch định chính sách phát triển về an toàn giao thông ở Việt Nam.

Sắp tới, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ, Bộ Công an cho triển khai xây dựng dự án về cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông. Việc này cũng đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thông tư số 58 của Bộ Công an.

Sau này khi triển khai, trên cơ sở mẫu báo cáo về tai nạn giao thông, cơ quan công an từ cấp tỉnh, cấp huyện... có trách nhiệm cung cấp các thông số thống kê, phân tích ngay sau khi tai nạn giao thông xảy ra theo tiêu chí cụ thể, khoa học.

Qua hệ thống máy tính được nối mạng, chúng tôi hướng tới việc bất kỳ một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cần đến cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông hay muốn phân tích về tai nạn giao thông của một tỉnh, hay phân tích tai nạn giao thông ở một tuyến đường, hoặc phân tích tai nạn giao thông theo lứa tuổi thì chỉ cần mở mạng ra sẽ cập nhật được thông tin ngay.

- Trên thực tế, khi cơ quan chức năng gửi thông báo học sinh có hành vi vi phạm an toàn giao thông về trường học thì rất ít khi nhận được những thông tin phản hồi, ông nghĩ sao?

Thượng tá Trần Sơn: Trong thời gian qua, phải khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đã được tăng cường, nhất là trong trường học đã góp phần nâng lên một bước ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông trong học sinh sinh viên.

Cơ quan chức năng và nhà trường đã đưa các chương trình giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, xây dựng những phong trào, mô hình như "đoạn đường em chăm", "em yêu đường sắt quê em", "cổng trường an toàn", "đội xung kích an toàn giao thông" ở các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, có thể nói tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có đối tượng là học sinh, thanh thiếu niên đang có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là việc học sinh chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển mô tô, xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường...

Mặc dù dã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, song phải thừa nhận trên thực tế hiện nay, rất nhiều học sinh do bị sức ép về học tập, quãng đường di chuyển khi đến các địa điểm học chính khóa, học thêm, học ngoại ngữ,. tin học... lại xa với quỹ thời gian eo hẹp nên buộc gia đình phải chọn giải pháp là mua xe máy, xe mô tô cho các em đi, dẫn đến việc nhiều trường hợp các em điều khiển xe khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe.

Khi lực lượng chức năng phát hiện và tiến đến xử lý thì các em quay ngược đầu xe và bỏ chạy, hoặc trong một số trường hợp thì liều lĩnh cho xe đâm thẳng vào lực lượng đang làm nhiệm vụ để tháo chạy, như vậy là rất nguy hiểm cho chính bản thân các em và cho những người xung quanh.

Một năm, trung bình lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý khoảng trên dưới 6 triệu trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên tỷ lệ nhận được phản hồi khi cơ quan chức năng gửi thông báo đến nơi theo dõi, quản lý những trường hợp vi phạm là rất ít.

Sắp tới, thông báo vi phạm sẽ không gửi trực tiếp về cơ quan, đơn vị, các trường học có người vi phạm an toàn giao thông nữa mà gửi trực tiếp cho trưởng công an xã, phường, thị trấn. Các đồng chí này chịu trách nhiệm thông báo đến các cơ quan, trường học và tổ dân phố để phối hợp giáo dục.

Thứ hai là không phải tất cả các hành vi vi phạm đều phải gửi thông báo mà chỉ tập trung ở những hành vi vi phạm với mức độ nghiêm trọng như điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không tham gia cấp cứu người bị tai nạn trong khi có điều kiện giúp đỡ...

- Thời gian qua, có một số clip quay cảnh thanh thiếu niên đi xe máy lạng lách trên đường, bốc đầu, nằm dài trên yên xe điều khiển xe đi một quãng đường khá dài... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đã đến lúc phải có chế tài xử lý mạnh việc này?

Thượng tá Trần Sơn: Một số hành vi quá khích của một số đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh như đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, lạng lách đánh võng, gây mất trật tự công cộng rồi đi xe bốc đầu, đi xe bằng 1 bánh đối với xe hai bánh, đi xe bằng hai bánh đối với xe mô tô 3 bánh, dùng chân điều khiển xe, nằm trên xe điều khiển xe là những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Những hành vi này cần phải được xử lý nghiêm và rất cần thiết phải bị dư luận xã hội lên án một cách mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng sâu xa hơn, tôi nghĩ rằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý đối tượng ngay từ gia đình, trường học là rất quan trọng.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, nếu thấy chưa đủ sức răn đe, giáo dục thì cũng phải có thêm chế tài kiên quyết hơn như tham mưu, đề xuất, kiến nghị nâng mức tiền phạt, thậm chí tịch thu phương tiện. Đề nghị nhà trường cho nghỉ học tạm thời một năm đối với các trường hợp vi phạm ở mức nghiêm trọng. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh truyền hình địa phương..., hệ thống loa truyền thanh ở từng phường, xã nhằm mục đích răn đe, giáo dục hiệu quả.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục