38 công trình đoạt giải sáng tạo khoa học công nghệ

Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTECT) đã trao giải sáng tạo khoa học công nghệ VN cho 38 công trình thuộc sáu lĩnh vực.
Tối 15/5, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTECT) tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và giải thưởng WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2011.

Năm nay, Ban tổ chức trao giải thưởng cho 38 công trình gồm 4 giải nhất, 9 giải nhì, 13 giải ba và 12 giải khuyến khích thuộc sáu lĩnh vực cơ khí-tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Đây là giải thưởng được trao cho các tác giả có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế-xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu..., trong đó đặc biệt đánh giá cao doanh nghiệp đã đi đầu trong việc xây dựng doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Sáu công trình đã nhận giải thưởng quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Giải WIPO cho công trình xuất sắc nhất thuộc về công trình “Nghiên cứu giải pháp công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500KV tại hiện trường” của tác giả Nguyễn Tấn Dũng, Công ty truyền tải điện 2, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Lộc, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ đã đoạt giải WIPO dành cho tác giả nữ xuất sắc nhất với công trình “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học ometar và biovip."

Doanh nghiệp xuất sắc nhất là Công ty cổ phần công nghệ sinh học - Fitohoocmon-Bifi, Hà Nội. Giải pháp xuất sắc nhất dành cho tác giả Võ Tấn Dũng thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương mại vận tải Phan Thành, thành phố Cần Thơ với công trình “Hệ thống thiết bị sang rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng."

Một giải dành cho nhà sáng tạo nữ có đề tài xuất sắc nhất Hội thi được trao cho cử nhân Phan Thị Hạnh, Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, tỉnh Bình Định với công trình “Cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng giống Keo Lai bằng phương pháp giâm hom."

Với công trình “Thiết bị tiết kiệm gas cho bếp gas gia đình và bếp công nghiệp," kỹ sư Lê Tiến Thắng, sinh năm 1973 thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và sản xuất Hùng Việt Phát, Thành phố Hồ Chí Minh đã giành được giải thưởng nhà sáng tạo trẻ xuất sắc.

Năm nay, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam cho 11 doanh nghiệp xuất sắc trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và kinh doanh.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những thành tích mà các nhà khoa học, nhà sáng tạo kỹ thuật đã đạt được trong năm 2011 và trong 17 năm qua. Các công trình khoa học công nghệ, các công trình đoạt giải đã góp phần khẳng định sự sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học.

Năm 1997, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới nhưng ngày nay đã có sự thay đổi khi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong số 20 thành phố của các nước mới phát triển hấp dẫn nhất về công nghệ thông tin. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng tưởng vào các nhà khoa học, sáng tạo kỹ thuật, người lao động trong cả nước sự sáng tạo sẽ quyết định cho sự phát triển của đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen cho bốn chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm các công trình đã đạt được giải nhất tại cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ năm 2011./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục