40 năm Hiệp định Paris: Gặp các nhân chứng lịch sử

Khoảng 50 đại biểu quốc tế cùng các nhân chứng lịch sử của Việt Nam đã tham dự hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử."
Nằm trong chương trình hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2013) do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, ngày 27/1, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 50 đại biểu quốc tế cùng các nhân chứng lịch sử của Việt Nam đã tham dự hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.”

Cùng dự có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân và đông đảo đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam mãi mãi không quên sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế


Tại hội thảo, các đại biểu quốc tế và trong nước đã cùng nhau ôn lại ý nghĩa lịch sử của quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với nhân dân Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đánh giá về những giá trị của Hiệp định Paris đối với Việt Nam, bà Hélene Luc, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt, chia sẻ: "Chiến thắng đó là nhờ lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam, cùng sự thống nhất, đoàn kết quốc tế và nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước. Thành phố Choisy-le-Roi có vinh hạnh đón đoàn Việt Nam, nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho thế giới thấy rằng xung quanh phái đoàn Việt Nam là tình thương yêu, tình đoàn kết quốc tế, Việt Nam không cô đơn."

Ở góc nhìn bao quát hơn, bà Men Sam An, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển Vương quốc Campuchia cho rằng Hiệp định Paris được ký kết không chỉ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam mà ở cả ba nước Đông Dương.

Theo bà Men Sam An, qua câu chuyện từ cha mẹ mình và những ấn tượng sâu sắc khi bộ đội Việt Nam đến giúp ngôi làng của bà có hòa bình, bà đã quyết định tham gia quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhiều câu chuyện, kỷ niệm, cảm xúc về cuộc đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, đã được bạn bè quốc tế chia sẻ tại hội thảo.

Đại biểu Rabin Deb, Bí thư Ban Thường vụ Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn; bà Hyun Soonhye, vợ nhà văn Oda Makoto (Nhật Bản); ông Ramsey Clark, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ... cũng đã chia sẻ về những hoạt động, việc khởi xướng và phát động các phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam, sự quyên góp về vật chất cũng như tinh thần ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình đàm phán, đấu tranh thống nhất đất nước.

Phía về Việt Nam, nhiều nhân chứng lịch sử như ông Hà Văn Lâu, Phó trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; bà Phan Thị Quyên, vợ anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi... cũng đã chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện xúc động trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris và tình hình thực tế tại Việt Nam trong những năm tháng chống chiến tranh tại Việt Nam.

Thay mặt người dân Việt Nam gửi lời cám ơn đến các đại biểu quốc tế, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, bày tỏ: "Tôi muốn thông qua các bạn gửi đến hàng triệu người trên thế giới, từ châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và cả nước Mỹ, lời cảm ơn đã đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc trường chinh 20 năm. Có thể nói, nhiều bạn bè trên thế giới đã đi cùng chúng tôi chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Mãi mãi nhân dân Việt Nam không bao giờ quên bạn bè đã giúp chúng tôi."

Bà Nguyễn Thị Bình khẳng định: "Sự chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi, trong đó nhân tố quan trọng nhất là đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Việt Nam trong những năm tháng gian nan đó, cả triệu người như một và sự nghiệp của chúng tôi được phong trào thế giới với hàng triệu, hàng triệu người ủng hộ. Mong rằng các bạn luôn luôn nhớ Việt Nam và chúng ta cùng đoàn kết trên con đường đấu tranh cho hòa bình, cho tự do."

Đoàn kết các dân tộc cho một thế giới hòa bình

Kết thúc hội thảo, bà Jeanne Ellen Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, đại diện cho các đại biểu quốc tế tham gia lễ kỷ niệm đã đọc Thông điệp đoàn kết của các đại biểu quốc tế.

Thông điệp nêu rõ các đại biểu quốc tế đã tập hợp tại Việt Nam để tôn vinh và chào mừng lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở đường cho thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam giải phóng và thống nhất đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh xâm lược.

"Chúng tôi bày tỏ tinh thần đoàn kết nhiệt thành với nhân dân Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, bình đẳng, dân chủ, văn minh và có điều kiện để phát triển trong một môi trường hòa bình, nơi nhân dân làm chủ vận mệnh và tài nguyên của mình," thông điệp nhấn mạnh.

Thông qua thông điệp của mình, các đại biểu quốc tế đã bày tỏ lòng tôn trọng và ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam, những người đã chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm, đặc biệt đối với những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Các đại biểu bày tỏ tình đoàn kết, chia sẻ đối với các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt các thế hệ đến nay vẫn phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam.

Thông điệp có đoạn: "Là những người yêu chuộng hòa bình từ mọi nơi trên thế giới, chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, rằng các dân tộc bị áp bức và chiếm đóng có quyền kháng cự và đấu tranh vì tự do và quyền quyết định vận mệnh của mình không có bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài. Bảo vệ chính các giá trị và nguyên tắc mà chúng tôi từng bảo vệ trong thời gian chiến tranh Việt Nam , chúng tôi tuyên bố đoàn kết với các dân tộc đang đấu tranh cho một thế giới hòa bình và một xã hội công bằng.

Từ Việt Nam, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi bày tỏ niềm tin tưởng rằng tấm gương Việt Nam sẽ cổ vũ các dân tộc trên thế giới đến thắng lợi cuối cùng"./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục