40 triệu USD giúp phát triển khu vực tài chính vi mô

Đại diện Ngân hàng Nhà nước và ADB ký hiệp định vay vốn trị giá 40 triệu USD nhằm cải thiện chất lượng của khu vực tài chính vi mô.
Ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura đã ký hiệp định vay vốn trị giá 40 triệu USD nhằm cải thiện chất lượng, khả năng tiếp cận, hiệu quả và tính cạnh tranh của khu vực tài chính vi mô.

Phát biểu tại lễ ký, ông Kimura cho rằng để thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội và dịch vụ xã hội của người nghèo, Việt Nam cần giải quyết các đòi hỏi về dịch vụ tài chính vi mô. Hiệp định vay vốn này là một cột mốc quan trọng trong những nỗ lực chung của Chính phủ và ADB nhằm phát triển khu vực tài chính vi mô chính thức, lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

Đáp lại cam kết của Chính phủ trong việc phát triển một khu vực tài chính vi mô theo định hướng thị trường, ADB đã phê chuẩn một chương trình phát triển tài chính vi mô đầy đủ, đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại dành cho Việt Nam. Chương trình nằm trong danh mục dự án của Chiến lược Đối tác Quốc gia mới của ADB với Chính phủ Việt Nam.

Khoản vay chương trình trị giá 40 triệu USD từ các nguồn quỹ đặc biệt của ADB hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức cho người nghèo, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông thôn.

Chương trình phát triển tài chính vi mô hướng tới hợp nhất tài chính vi mô vào thị trường tài chính chính thức, thông qua việc thúc đẩy phát triển các tổ chức tài chính vi mô mới nổi trở thành các tổ chức tín dụng chính thức, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Đồng thời, chương trình khuyến khích cải cách và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Nhà nước có liên quan đến tài chính vi mô như Ngân hàng Chính sách Việt Nam và Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương.

Chương trình cũng giúp nâng cao năng lực hoạt động và giám sát tài chính vi mô và hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng của khu vực tài chính, bao gồm cơ sở đào tạo, các chương trình tuyên truyền, kế hoạch bảo vệ người tiêu dùng cũng như thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin tín dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục