5 năm sau tái định cư, dân vùng thủy điện Sơn La giờ ra sao?

Năm năm sau tái định cư, vẫn còn nhiều hộ ở nhiều thôn bản chưa đủ đất sản xuất, nhất là các hộ về thị trấn Phiêng Lanh (huyện Quỳnh Nhai) và những hộ “bám quê” vẫn sống đời bấp bênh.
5 năm sau tái định cư, dân vùng thủy điện Sơn La giờ ra sao? ảnh 1Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một chuyến thăm và tặng quà bà con tái định cư dự án thủy điện Sơn La. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Sau 5 năm kể từ khi tỉnh Sơn La tuyên bố hoàn thành di chuyển gần 12.600 hộ, với gần 58.350 nhân khẩu vùng lòng hồ phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La (tháng 12/2010), đến nay, đồng bào vùng tái định cư đã từng bước ổn định đời sống và sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ ở nhiều thôn bản chưa đủ đất sản xuất, nhất là các hộ di chuyển về thị trấn Phiêng Lanh (huyện Quỳnh Nhai) và những hộ “bám quê” di chuyển tại chỗ (di vén ven hồ) đời sống còn bấp bênh, sản xuất chưa vững chắc, còn lệ thuộc vào đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ, cần được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để phát triển bền vững.

Sau khi hoàn thành di chuyển huyện lỵ Quỳnh Nhai đến địa điểm mới - thị tứ Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) có tổng diện tích tự nhiên 106.090ha với 11 đơn vị hành chính cấp xã, 191 thôn bản, toàn huyện có 13.165 hộ với trên 61.500 khẩu, gồm bảy dân tộc anh em chung sống là Dao, Thái, Kháng, La Ha, Mông, Kinh, Mường, t hu nhập bình quân đầu người dưới 4 triệu đồng/năm.

Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai (Sơn La) Trịnh Thị Oanh cho biết Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai có 63 tổ chức cơ sở đảng với gần 4.000 đảng viên. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai phải tổ chức di chuyển dân thuộc 9/11 xã trong huyện với 99 bản, 8.435 hộ, gần 36.000 nhân khẩu, đồng thời phải di chuyển toàn bộ trung tâm hành chính huyện đến địa điểm mới. Tổng số diện tích đất bị ngập là 10.185ha. Đến ngày 15/4/2010, toàn huyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di chuyển dân ra khỏi vùng ngập, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và của tỉnh.

Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất tại 84/84 điểm tái định cư, bàn giao đưa vào sử dụng 668/689 dự án, hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố; đời sống của nhân dân tái định cư từng bước được ổn định, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tuyêt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đảng bộ huyện cũng đã đề ra các giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách tái định cư, nhất là việc xử lý vướng mắc trong công tác bàn giao đất ở một số điểm tái định cư; kiên quyết không để tồn đọng đơn, thư liên quan đến việc thực hiện chính sách tái định cư và còn người dân không được hưởng chính sách.

Huyện tiến hành rà soát lại quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai tại các điểm tái định cư; tổ chức điều chỉnh lại quy hoạch dân cư cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét cho phép di chuyển tái định cư lần 2 đối với những điểm tái định cư thực sự khó khăn trong phát triển sản xuất, không có khả năng ổn định đời sống lầu dài.

Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai còn quan tâm chỉ đạo việc dự báo thị trường, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất, chỉ đạo sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên đất đai trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường thâm canh, xen canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Huyện tăng cường đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng giá trị kinh tế cao, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nhằm tạo vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến và cung ứng hàng hóa tập trung tại các khu, điểm tái định cư, làm tốt khâu định hướng thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa thông qua việc khuyến khích xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và các cơ sở sơ chế bảo quản nông sản khi các vùng nguyên liệu đã hình thành, liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản.

Quỳnh Nhai định hướng lại công tác đào tạo nghề đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện nhằm nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động vùng tái định cư; xem xét tăng cường cán bộ, công chức có trình độ năng lực ở tuyến huyện xuống công tác tại các xã để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm tổ chức triển khai, thực hiện tốt chỉ thị , nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực huyện ưu tiên đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại các khu, điểm tái định cư thủy điện Sơn La thuộc địa phương huyện Quỳnh Nhai.

Với lợi thế có diện tích mặt nước lòng hồ hơn 10.000ha, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tái định cư các xã sống ven hồ chuyển đổi hướng sản xuất sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản,với sản phẩm nuôi như cá mè, chép, trắm cỏ, chạch chấu, tôm, cá tầm. Đến nay, toàn huyện có chín hợp tác xã thủy sản nuôi với số lượng 275 lồng cá các loại, sản lượng năm 2014 đạt 9,5 triệu/lồng cá, sản lượng nuôi tôm cá và đánh bắt thủy sản của huyện này đạt khoảng 920 tấn/năm đã góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế tăng thu nhập cho bà con tái định cư vùng lòng hồ thuỷ điện.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Ban quản lý dự án Di dân tái định cư thủy điện tỉnh Sơn La, gần 90% tổng số hộ tái định cư đều đã có nhà cửa ổn định, vững chãi. Các hộ đều đã được tập huấn và cấp phát tài liệu khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ mua sắm công cụ lao động.

Các cơ sở tái định cư đều được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khá toàn diện như điện lưới quốc gia, đường giao thông cứng hóa, nhà lớp học, nhà văn hóa, tạo điều kiện để đồng bào ổn định đời sống và sản xuất, đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục