6 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu gấp 3 lần so với cùng kỳ

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt gần 7 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu gấp 3 lần so với cùng kỳ ảnh 1Dây chuyền sản xuất bánh quy tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt gần 7 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch gần 5,9 tỷ USD, doanh nghiệp tư nhân hơn 1 tỷ USD và doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt gần 120 triệu USD.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đạt hơn 6,2 tỷ USD. Như vậy, Đồng Nai đã xuất siêu khoảng 464 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, nguyên nhân xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng mạnh là do các doanh nghiệp mở rộng được thị trường và nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, thuế giảm, nên các doanh nghiệp tăng sản xuất và lượng hàng xuất khẩu để hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Trong gần 30 nhóm hàng xuất khẩu, chỉ có 5 nhóm hàng có giá trị và số lượng sụt giảm, còn lại các nhóm hàng khác đều giữ được mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu nhiều và tăng mạnh là giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, phương tiện vận tải, dây điện và dây cáp điện, máy móc thiết bị, máy tính linh kiện điện tử, hạt tiêu, hạt điều.

Đặc biệt, mặt hàng gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Đức Công, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến gỗ Tân Minh Hoàng (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa), hiện nay doanh nghiệp đã ký hợp đồng đơn hàng đến tháng 10, đây là năm có đơn hàng tốt nhất trong 6 năm trở lại đây.

Các sản phẩm của Tân Minh Hoàng sản xuất chủ yếu là bàn, ghế, giường. Thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là Mỹ (70%) và Hàn Quốc.

Ở Công ty chế biến gỗ F.J Wood (nhà máy tại huyện Trảng Bom), các dây chuyền sản xuất cũng chạy hết công suất từ đầu năm tới nay. Trợ lý Tổng Giám đốc công ty, ông Lê Khắc Khang, cho biết, hợp đồng sản xuất của công ty về cơ bản đã ký đến hết năm.

Trong 3 thị trường xuất khẩu là Mỹ, Canada và Đài Loan, thị trường Mỹ đang sôi động nhất. Ông Khang nói: “Thị trường Mỹ chiếm 1/2 doanh số hàng xuất khẩu của công ty. Năm nay, thị trường này vẫn bằng những năm trước nhưng giá trị xuất khẩu ở thị trường này tăng thêm hơn 10%. Vì vậy, công ty chỉ chọn một vài mã hàng sản xuất có giá trị cao, không nhận nhiều mã như trước đây và xuất khẩu với số lượng lớn hơn.”

Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, từ nay đến cuối năm, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa, Sở Công Thương tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp để cung cấp cho các doanh nghiệp những quy định mới về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ…

Sở cũng áp dụng cách khai mới trong thủ tục cấp C/O (quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo nước xuất và nhập khẩu); một số hàng hóa xuất nhập khẩu được ưu tiên, miễn giảm thuế...

Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị các ngành thuế, hải quan tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa và kịp thời hướng dẫn, thông báo cho doanh nghiệp các quy định mới về thuế, hải quan để thực hiện cho đúng; các thủ tục để công ty nước ngoài trên địa bàn tỉnh có thể tham gia phân phối hàng hóa tại Việt Nam…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục