600 Phó Chủ tịch xã trẻ đi đâu, về đâu khi kết thúc dự án?

Theo Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, các đội viên hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cơ sở xem xét bố trí vào công việc phù hợp với năng lực.
600 Phó Chủ tịch xã trẻ đi đâu, về đâu khi kết thúc dự án? ảnh 1Trao quyết định hoàn thành khóa học cho các Đội viên tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn hơn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Trong số 575 trí thức trẻ đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã được tuyển chọn theo Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tăng cường về 64 huyện nghèo trong cả nước, 448 người (gần 78%) đã được quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý​. Trong số này, có 152 người trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, 12 người làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã.

Vậy còn đến hơn 2/3 số Phó Chủ tịch xã sẽ đi về đâu khi kết thúc Dự án? Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên thuộc Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã giải đáp trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.

- Đã qua 4 năm triển khai và chỉ còn một năm nữa, Dự án 600 Phó Chủ tịch xã về 64 huyện nghèo sẽ kết thúc, xin ông cho biết khái quát tình hình của 600 Phó Chủ tịch xã hiện nay ra sao?

Ông Vũ Đăng Minh: Dự án 600 Phó Chủ tịch xã có hai mục tiêu, mục tiêu thứ nhất là tăng cường trí thức trẻ có trình độ đại học về giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu thứ hai là thông qua việc chỉ đạo kinh tế-xã hội ở xã, cấp ủy, chính quyền theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này trở thành những cán bộ lãnh đạo và quản lý ở cơ sở.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu thứ nhất đã hết sức thành công. Trong số 64 huyện nghèo hiện nay, các Phó Chủ tịch xã đã có đóng góp rất tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, làm tốt được nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước.

Bằng những sáng kiến, tâm huyết của mình và kiến thức khoa học kỹ thuật học được ở trường, các đội viên Dự án đề xuất những mô hình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, mang lại hiệu quả và đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Ví dụ, có Phó Chủ tịch xã đề xuất chuyển đổi mô hình, từ trồng cây ngô chuyển sang trồng cây dược liệu. Mức thu nhập một hécta ngô không quá 7 triệu đồng, nhưng một hécta dược liệu đạt trên 34 triệu đồng. Ở huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận, một địa phương có lượng mưa rất hạn chế, nhiều xã 12 tháng nay không có mưa. Bằng kiến thức khoa học kỹ thuật của mình, có Phó Chủ tịch xã đề xuất đưa giống cây đậu tương vào trồng trên đất khô hạn và đã thành công. Đến nay, huyện tập trung vào nhân rộng mô hình cây đậu tương cho tất cả các xã.

Thứ hai, thông qua kết quả triển khai dự án, trên 90% đội viên đã đứng trong hàng ngũ của Đảng. Số lượng đội viên được kết nạp Đảng khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc đưa các trí thức trẻ về công tác; thể hiện sự phấn đấu của các đội viên và đây cũng là cơ sở, điều kiện để chúng ta có thể bố trí công tác cho các đội viên theo quy hoạch.

Hiện có tới 94,08% đội viên được đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trong đó có trên 31% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thứ ba, kết quả bầu cấp ủy địa phương vừa qua, trong số 575 đội viên của Dự án hiện nay, có 152 đội viên được tham gia cấp ủy, số còn lại cơ bản đã được quy hoạch.

Vừa qua, một số thông tin nói là dự án có khoảng 25% được bầu vào cấp ủy có nghĩa là số còn lại không được vào cấp ủy, phải ra về sau khi kết thúc dự án, chúng tôi khẳng định là thông tin này chưa đầy đủ. Do có một số chưa phải là đảng viên chính thức, hầu hết cấp ủy các địa phương đang để khuyết chỉ tiêu này để khi các đội viên đủ điều kiện sẽ tiến hành quy trình bầu bổ sung vào Ban Chấp hành đảng ủy của xã để tiếp tục cơ cấu, bố trí các chức danh lãnh đạo ở xã hoặc có thể các chức danh lãnh đạo cao hơn.

Theo quy định, các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã không nhất thiết cơ cấu phải là cấp ủy, là đại biểu Hội đồng Nhân dân. Như vậy, có những đội viên không vào cấp ủy của xã không có nghĩa là không được tiếp tục tham gia Phó Chủ tịch hoặc không được bố trí vào các chức vụ lãnh đạo khác.

- Ban quản lý dự án có “can thiệp” với các địa phương để hợp lý hóa cho gần 80% số công chức đã được bố trí sắp xếp? Vậy nỗ lực tự thân của các em là bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Cái này xuất phát từ hai phía. Chúng tôi hướng dẫn các địa phương quan tâm tạo điều kiện, theo dõi đánh giá một cách sát sao để hỗ trợ các đội viên làm tốt công việc, thông qua đó được bố trí vào các vị trí lãnh đạo quản lý. Về phía các đội viên, các em phải cố gắng hết mình, làm tốt nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã.

Thực tế, nhiều đội viên rất quyết liệt, vận động bà con giải quyết được các việc trước đây thấy rất khó như vận động người dân thay đổi tập quán không nhốt trâu bò trong gầm sàn, tập tục trong việc cưới, việc tang.

Trước đây, khi trong gia đình có người mất, người H'Mông thường để trong nhà rất lâu, rồi có tục lệ bón cơm cho người đã mất. Thế nhưng, các đội viên đã kiên trì vận động bà con thực hiện đúng quy định của pháp luật, khi người chết phải khai tử, làm đám tang theo quy định, không để quá 24 tiếng trong nhà.

Có những Phó Chủ tịch xã ban hành được quy chế của Ủy ban Nhân dân trong việc cưới, quy định đám cưới không được thách quá 10 triệu đồng hay không được thách quá bao nhiêu trâu bò. Các Phó Chủ tịch làm tốt công việc, chức trách nhiệm vụ của mình, cấp ủy, chính quyền và những người có trách nhiệm sẽ theo dõi, bố trí, sử dụng vào những vị trí công việc phù hợp.

- Ban quản lý dự án và Ban Tổ chức Trung ương đã làm việc với các địa phương về việc quy hoạch các đội viên vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, tại sao vẫn còn đến hơn 20% chưa được quy hoạch?

Ông Vũ Đăng Minh: Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Quy hoạch này phải làm từ trước ngày 31/12/2014 để chuẩn bị cho bầu cử Đại hội Đảng bộ ở cấp cơ sở. Trong thời gian đó, nhiều em mới học cảm tình Đảng, chưa kết nạp nên chưa đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch. Hiện nay, một số em tiếp tục được bổ sung vào quy hoạch sau khi đã được chuyển thành đảng viên chính thức, có người tiếp tục được bổ sung vào cấp ủy.

Vừa rồi, Cao Bằng đã có 4 trường hợp sau khi chuyển thành đảng viên chính thức được bầu bổ sung. Một số đội viên không làm Phó Chủ tịch xã nữa, theo phương án bố trí của địa phương có thể làm công chức ở xã hoặc là chuyển lên công chức ở huyện. Một số em không nằm trong quy hoạch là như vậy.

Trong số đội viên có 2 em không hoàn thành nhiệm vụ, không đưa vào quy hoạch được. Các em này có vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đấy. Trong số 580 em tuyển chọn được đưa về cơ sở đến giờ còn 575 em, một số em trưởng thành phát triển nhưng cũng có 1-2 em chưa đáp ứng được yêu cầu, tôi nghĩ rằng là hết sức bình thường.

- Không được bố trí vào chức danh công chức ở địa phương, vậy các em sẽ làm gì khi hết nhiệm kỳ công tác?

Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền theo hướng đối với tất cả những đội viên hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cấp ủy hoặc chính quyền từ cơ sở xem xét bố trí vào công việc phù hợp với trình độ phẩm chất và năng lực của từng em, có thể trở thành công chức từ cấp xã trở lên, các địa phương đã có phương án hết sức cụ thể.

Đến tháng 6/2017, nghĩa là còn hơn một năm nữa mới kết thúc dự án, còn nhiều cơ hội cho các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Đối với các em không hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh và Sở Nội vụ đã có báo cáo với Bộ Nội vụ phương án xử lý và các em cũng thống nhất với phương án đó.

Tôi quan tâm cái đích cuối cùng là thông qua dự án này, làm thế nào thu hút được những trí thức trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có ước mơ, hoài bão về cống hiến lâu dài cho những xã thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước. Đưa trí thức trẻ để ​làm nòng cốt cho các địa phương, để đóng góp được lâu dài cho các địa phương, đấy mới là mục tiêu quan trọng của dự án. Chúng tôi tin rằng phần đa các em sẽ được tiếp tục ở lại làm công việc của mình và có đóng góp thiết thực cho đồng bào nơi các em đến công tác.

- Khi tham gia dự án, đa số các em chưa được kết nạp Đảng vẫn được bố trí về làm Phó Chủ tịch xã, vậy có nhất thiết phải được kết nạp Đảng và có thể có sự ngoại lệ nào đó không?

Ông Vũ Đăng Minh: Dự án này là đặc thù, tức là tăng cường trí thức trẻ, hầu hết các em chưa phải là đảng viên. Không phải đảng viên, các em không nằm trong cấp ủy thời điểm đó, còn giờ là quy hoạch cho nhiệm kỳ tiếp theo, muốn vào quy hoạch, vào cấp ủy và để phát triển được phải là đảng viên.

- Ông có nghĩ rằng không được bố trí chức danh ở địa phương, các em sẽ khó làm việc?

Ông Vũ Đăng Minh: Tôi nghĩ không có vấn đề gì lắm bởi có những em rất giỏi về chuyên môn, nhưng năng lực lãnh đạo quản lý lại có mức độ, khả năng tổ chức, chỉ huy, điều hành, kiểm tra, giám sát không năng nổ.

Làm lãnh đạo ngoài chuyên môn ra phải có tố chất rất năng nổ, tháo vát, thậm chí phải có kỹ năng lãnh đạo nữa, em chỉ giỏi chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo em hạn chế, chưa chắc đã được bố trí nhưng được tiếp tục giữ ở lại vì em có chuyên môn.

- Như vậy đến tháng 6/2017, Ban quản lý hết trách nhiệm với 600 Phó Chủ tịch xã, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Lúc ấy các em là người của địa phương rồi. Hướng chúng tôi đang đề nghị là có những em làm tiếp nhiệm kỳ 2016-2021 vì có em muốn khẳng định được phải tiếp tục làm hết nhiệm kỳ, đến năm 2020 mới kết thúc Chương trình 30a, có cơ sở để bố trí tiếp. Theo Luật chính quyền địa phương, một xã chỉ có một Phó Chủ tịch, nếu bố trí thêm 2 là trái quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục