7 ngày thế giới công nghệ: Ông Obama làm "dậy sóng" mạng xã hội

Tuần qua, không phải là những tên tuổi quen thuộc làm "nóng" thế giới công nghệ mà thay vào đó là vị tổng thống nối tiếng mê công nghệ của nước Mỹ, Obama.

Tuần qua, không phải là những tên tuổi quen thuộc làm "nóng" thế giới công nghệ mà thay vào đó là vị tổng thống nối tiếng mê công nghệ của nước Mỹ, Obama.

Ông Obama trong lần "tái xuất" trên mạng xã hội Twitter với tài khoản mới đã thiết lập một kỷ lục thế giới mới khi đạt 1 triệu người đăng ký theo dõi chỉ trong vòng chưa đầy 5 giờ đồng hồ sau khi kích hoạt tài khoản.

Dưới đây là những sự kiện công nghệ nổi bật trong tuần qua:

Ông Obama lập kỷ lục thế giới bằng tài khoản mới trên Twitter

7 ngày thế giới công nghệ: Ông Obama làm "dậy sóng" mạng xã hội ảnh 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Hai (18/5) đã xác lập một kỷ lục thế giới mới khi tài khoản mới của ông trên Twitter đạt 1 triệu người theo dõi trong thời gian nhanh nhất, 5 giờ sau khi tài khoản được kích hoạt.

Tổ chức Guinness World Records đã xác nhận kỷ lục trên trong một bản tin phát hành hôm thứ Ba (19/5), trong đó nêu rõ ông Obama đạt mốc 1 triệu người theo dõi trong khoảng thời gian ít hơn năm giờ sau khi ông gửi tin nhắn tweet đầu tiên của mình từ tài khoản @POTUS mới.

Ngôi sao điện ảnh Robert Downey Jr. trước đây nắm giữ kỷ lục trên sau khi tài khoản của ông đạt 1 triệu người theo dõi trong 23 giờ và 22 phút vào tháng Tư năm 2014.

Tổng thống Mỹ Obama đã làm "bùng nổ" Twitter với một tweet từ tài khoản mới của mình ngay trước buổi trưa ngày thứ Hai.

Nhà Trắng cho biết trong một bài viết trên blog rằng tài khoản đó sẽ cho phép tổng thống "tiếp xúc trực tiếp với người dân Mỹ, với các tweet độc quyền từ ông ấy."

Trước đây, khi còn trong giai đoạn tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012, ông Obama cũng có một tài khoản trên mạng xã hội Twitter, đó là tài khoản BarackObama.

Tòa án Mỹ tuyên bố xem xét lại vụ kiện giữa Samsung và Apple

7 ngày thế giới công nghệ: Ông Obama làm "dậy sóng" mạng xã hội ảnh 2

Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ ở Washington D.C vừa tuyên bố giữ nguyên phán quyết trước đó là Samsung, “người khổng lồ” sản xuất hàng điện tử của Hàn Quốc, đã vi phạm bằng sáng chế của đối thủ cạnh tranh Apple (Mỹ), nhưng lời cáo buộc Samsung sao chép thiết kế giao diện chiếc iPhone của Apple thì cần được xem xét lại.

Theo diễn biến mới nhất về vụ kiện tụng liên quan đến sở hữu trí tuệ giữa hai “ông trùm” công nghệ này, khoảng 40% trong tổng số 930 triệu USD tiền bồi thường theo phán quyết trong phiên tòa trước đó mà Samsung phải trả cho Apple, sẽ cần được đưa ra để cân nhắc thêm.

Cổ phiếu của Samsung đã tăng 2,6% trong phiên giao dịch ngày 18/5 tại Seoul, sau khi quyết định trên được công bố.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai “kình địch” này nổ ra từ năm 2011, khi Apple chính thức kiện Samsung sao chép bất hợp pháp các sản phẩm điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad của Apple.

Trong phiên tòa xử năm 2012, bồi thẩm đoàn tuyên bố Samsung đã vi phạm một số bằng sáng chế của Apple liên quan đến thiết kế và giao diện của iPhone. Sau đó, Apple thắng kiện và được Samsung bồi thường 930 triệu USD, nhưng đã không thắng trong yêu cầu đòi cấm bán các điện thoại có liên quan của Samsung trên thị trường.

Facebook chính thức ra tính năng cuộc gọi video trên Messenger

7 ngày thế giới công nghệ: Ông Obama làm "dậy sóng" mạng xã hội ảnh 3

Facebook đã từng giới thiệu về tính năng cuộc gọi video trên Messenger vào tháng Tư, và bây giờ mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết họ đã chính thức phát hành tính năng này gần như hoàn toàn trên toàn cầu.

Hiện vẫn còn một "số ít quốc gia" mà Facebook nói rằng họ vẫn chưa phát hành tính năng này để cải thiện chất lượng video - có khả năng là những nước có hạ tầng mạng di động kém và Facebook cần gia cố thêm các chức năng kỹ thuật để hỗ trợ cho dịch vụ cuộc gọi video.

Thông báo trên của Facebook đánh dấu sự mở rộng lớn cho cuộc gọi video Messenger, mà ban đầu chỉ có ở 18 quốc gia. Hiện tính năng mới đã có sẵn trên các bản cập nhật mới nhất ứng dụng Messenger cho iOS và Android.

Facebook đã đưa ra rất nhiều kế hoạch cải tiến cho ứng dụng Messenger trong thời gian gần đây.

Messenger hiện là một phần cốt lõi chính của Facebook, với hơn 600 triệu người sử dụng hàng tháng hoạt động.

LG bán ra toàn cầu điện thoại cao cấp G4, bắt đầu từ Hong Kong

7 ngày thế giới công nghệ: Ông Obama làm "dậy sóng" mạng xã hội ảnh 4

Hãng LG đã xác nhận họ bắt đầu bán ra trên phạm vi toàn cầu mẫu điện thoại cao cấp mới nhất, G4 với điểm đến đầu tiên là thị trường Hong Kong.

Mẫu điện thoại có màn hình 5,5 inch này, sau khi được bán ra lần đầu ở thị trường "quê nhà" Hàn Quốc, giờ sẽ chính thức được "xuất ngoại" ra hầu khắp các thị trường trên phạm vi toàn cầu. Hong Kong là điểm đến đầu tiên. Còn các thị trường ở châu Âu, Bắc Mỹ, Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG), Đông Nam Á, Trung Đông/châu Phi, Nam/Trung Mỹ sẽ có hàng trong tháng tới. Tuy nhiên, ngày cụ thể với từng thị trường thì LG chưa công bố.

Mẫu điện thoại thông minh này có tính năng "màn hình lượng tử" (quantum display) mới, cung cấp màu sắc tốt hơn, và một camera được thiết kế lại với một cảm biến lớn hơn. Máy được trang bị chip xử lý 64-bit hexacore CPU Snapdragon 808 và đi kèm với một vỏ da cùng đường cong tinh tế.

Các quốc gia xung quanh Biển Đông là mục tiêu tấn công mạng

7 ngày thế giới công nghệ: Ông Obama làm "dậy sóng" mạng xã hội ảnh 5

Một báo cáo của Kaspersky Lab cho thấy trong vòng 5 năm qua, một mối đe dọa mang tên Naikon đã thâm nhập thành công vào các tổ chức quốc gia xung quanh biển Đông.

Các chuyên gia của hãng bảo mật này cũng chỉ ra rằng, nhóm Naikon là người Trung Quốc và mục tiêu chính của nhóm này là các cơ quan chính phủ cấp cao và các tổ chức dân sự và quân sự ở các nước như Philippines, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Singapore, và Nepal.

Naikon được Kaspersky Lab nhắc tới lần đầu tiên trong báo cáo gần đây mang tên “Ký sự Hellsing: Đế chế đáp trả.” Khi ấy, Hellsing, một nhóm tội phạm mạng khác, đã quyết định trả đũa khi bị Naikon tấn công.

“Các tội phạm đứng sau các cuộc tấn công của Naikon đã xoay sở để phát minh một thiết bị linh hoạt mà có thể xây dựng ở bất kì quốc gia mục tiêu nào với các thông tin từ hệ thống của nạn nhân đi đến trung tâm điều khiển. Nếu sau đó kẻ tấn công quyết định tấn công vào mục tiêu khác ở một quốc gia khác thì chỉ cần thiết lập kết nối mới. Có các nhà điều hành tập trung vào một nhóm mục tiêu cụ thể khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho nhóm gián điệp Naikon,” ông Kurt Baumgartner, Trưởng nhóm Nhà nghiên cứu An ninh (nhóm GreAT thuộc Kaspersky Lab) cho biết.

Các mục tiêu của Naikon bị tấn công bằng phương pháp giả mạo truyền thống với email chứa tệp đính kèm được thiết kế dựa trên sự quan tâm của nạn nhân. Tệp tin đính kèm này trông giống như tài liệu Word./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục