870 triệu người nghèo nhất thế giới không có an sinh xã hội

WB cho biết 870 triệu người nghèo nhất thế giới, có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày, lại là những đối tượng ở "ngoài vùng phủ sóng" của hệ thống an sinh xã hội.
870 triệu người nghèo nhất thế giới không có an sinh xã hội ảnh 1Một em bé bên ngoài khu trại tị nạn của người Somalia ở Howl Wadag, Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo "Tình hình Mạng lưới An sinh Xã hội 2014" do Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho hay các chương trình an sinh xã hội đã tăng cả về số lượng và quy mô trong thời gian qua, song hiện vẫn có 870 triệu người dân nghèo nhất thế giới chưa được tiếp cập và hưởng lợi từ những chương trình trên.

Mặc dù hơn 1 tỷ người dân tại 146 quốc gia đang tham gia ít nhất một trong 475 chương trình an sinh xã hội, nhưng hầu hết những người nghèo nhất - có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày - lại là những đối tượng còn ở "ngoài vùng phủ sóng."

Tuy vậy, Giám đốc phụ trách lao động và bảo trợ xã hội của WB, Arup Banerji, vẫn hy vọng về phạm vi tác động ngày một tăng của các chương trình an sinh xã hội cũng như hiệu quả của chúng.

Theo ông, ngày càng có nhiều bằng chứng rõ nét cho thấy các mạng lưới an sinh xã hội là một trong những cách thức tiết kiệm và hiệu quả nhất đối với các quốc gia trên thế giới để đối phó với tình trạng đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung của toàn xã hội.

Các chương trình an sinh xã hội gồm việc cung cấp tiền mặt hoặc hiện vật để mang đến sự hỗ trợ cụ thể và thường xuyên cho những người thuộc diện nghèo và dễ bị tác động.

Báo cáo trên nhấn mạnh vai trò của mạng lưới an sinh xã hội trong việc giảm nghèo, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tăng cường hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Đây cũng là nghiên cứu lần đầu tiên trong một loạt nghiên cứu sẽ giám sát và báo cáo về tình hình tăng trưởng và mức độ ảnh hưởng cùa các mạng lưới an sinh xã hội ở các nước đang phát triển.

Báo cáo trên cũng xem xét năm loại hình chương trình an sinh xã hội: hỗ trợ tiền mặt có điều kiện và vô điều kiện, hỗ trợ hiện vật có điều kiện và vô điều kiện và cung cấp việc làm trong khu vực công.

Theo báo cáo trên, 1/3 số đối tượng được hưởng chương trình an sinh xã hội sống ở các nước có thu nhập trung bình, trong khi các quốc gia có thu nhập thấp có tới 47% dân số sống ở mức cực nghèo thì mới chỉ không đầy 10% nhận được sự hỗ trợ từ mạng lưới an sinh xã hội.

Hai ví dụ điển hình về vấn đề trên là sự thiếu hụt các chương trình an sinh xã hội quy mô ở cả các nước thu nhập trung bình và các chương trình an sinh xã hội ở các nước thu nhập thấp có thể không tập trung nhiều vấn đề hỗ trợ cải thiện mức sống của người nghèo mà chú trọng nhiều hơn vào công tác đảm bảo cuộc sống của nhóm đối tượng cao tuổi.

Một số chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt đã đạt mức tăng trưởng cao. Điều này rất đúng thực tế ở khu vực Nam Sahara (châu Phi), có các chương trình an sinh xã hội cung cấp tiền mặt vô điều kiện với mục tiêu hướng tới một số nhóm đối tượng nhất định.

Ví dụ như hưu trí đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010-2013, và số quốc gia triển khai các chương trình dạng này đã tăng từ 21 lên 37 trong cùng kỳ.

Các chương trình lớn nhất trên thế giới diễn ra tại Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, và cung cấp sự hỗ trợ cho hơn 486 triệu người.

Theo ông Baneji, số liệu này cho thấy khả năng mở rộng diện phủ sóng của các mạng lưới an sinh xã hội và tiếp cận được các đối tượng cực nghèo không nhận được bất kỳ hình thực trợ cấp xã hội nào.

Các quốc gia có thu nhập thấp hơn đang đối mặt với những thách thức lớn nhất trong việc cung cấp các chương trình an sinh xã hội cho người nghèo.

Tại 57 quốc gia, chương trình an sinh xã hội được cung cấp phù hợp với mức độ nghèo được tính toán theo chuẩn quốc gia. Ví dụ, tại Guatemala - với 49 trong số 54% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia hưởng lợi từ các chương trình an sinh xã hội - thách thức chính sách chủ yếu là đảm bảo các chương trình này được cung cấp đầy đủ cho những đối tượng phù hợp.

Tuy vậy, hiện có khoảng 50% quốc gia có các chương trình an sinh xã hội có quy mô nhỏ hơn số lượng người nghèo cần sự hỗ trợ. Ví dụ là Madagasca, có 75% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia, và chỉ 1% số đối tượng khó khăn nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Trong khi đó, một quốc gia khác là Burundi, có 67% dân số nghèo nhất, thì chỉ 5% tiếp cận được các chương trình an sinh xã hội.

Khi các nước giàu lên, việc chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội cũng tăng nhưng không đáng kể.

Các nước đang phát triển chi tiêu trung bình 1,6% Tổng sản phẩm trong nước GDP cho các chương trình an sinh xã hội, trong khi ngân sách dành các biện pháp và chính sách công như trợ giá nhiên liệu thường cao hơn nhiều.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, khoản tiền chi cho các chương trình an sinh xã hội tương đương 1% GDP trong khi con số dành cho các chương trình trợ giá nhiên liệu là 4% GDP.

Ông Ruslan Yetsov, nhà kinh tế hàng đầu ở WB, cho hay thậm chí tại các nước có thu nhập thấp hơn như Ai Cập hay Yemen và Maroc, mức chi tiêu cho trợ giá nhiên liệu lần lượt là 6,7% GDP, 4,7% GDP và 0,7% GDP trong khi chỉ có 0,2% GDP, 1,4% GDP và 0,9% GDP dành cho các chương trình an sinh xã hội.

Các khoản trợ giá năng lượng đã mang lại lợi ích cho toàn bộ dân số vì giảm giá nhiên liệu để sưởi ấm, đi lại và chiếu sáng.

Tuy vậy, tác động của nó chủ yếu hướng vào các nhóm đối tượng có mức thu nhập có thể tiêu thụ điện và nhiên liệu lớn hơn nên không "chiếu cố" tới những lo ngại cấp thiết của những người rất nghèo.

Bên cạnh đó, tình cảnh của những người nghèo nhất ở các nước có thu nhập thấp thậm chí còn... "buồn" hơn, nếu xét theo những dòng vốn khác như kiều hối và các nguồn hỗ trợ tài chính của nước ngoài.

Nghiên cứu này cũng cho hay nguồn kiều hối không hiệu quả trong việc tiếp cận các hộ gia định nghèo nhất.

Theo nhà kinh tế Maddlena Honorati của WB, số liệu của Biểu đồ An sinh Xã hội: Những dấu hiệu của sự phục hồi và công bằng (ASPIRE) cho thấy tại các nước có thu nhập cao hơn, phần lớn số hộ gia định nhận nguồn kiều hối là các đối tượng nghèo nhất.

Tình hình lại hoàn toàn ngược lại ở các nước có thu nhập thấp hơn khi những người nghèo không nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội và hầu hết những đối tượng nhận kiều hồi là giàu nhất.

Trên toàn cầu, không tới 15% nguồn kiều hối đến được tay người nghèo nhất.

Trong khi đó, nguồn tài chính hỗ trợ từ nước ngoài cho một số nước nghèo nhất như Liberia, Sierra Lion, Burkina Paso hầu hết đổ vào các chương trình an sinh xã hội.

Trong một tín hiệu tích cực hơn, báo cáo trên lưu ý rằng nhiều quốc gia đã chuyển từ các chương trình an sinh xã hội nhỏ lẻ sang hệ thống bảo trợ xã hội hợp nhất. Các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều cơ chế giúp giám sát hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội.

Một ví dụ là cơ chế đăng ký Cardastrosocial ở Brazil, giúp thu thập số liệu của 27 triệu người dân và kết nối với hơn 10 chương trình an sinh xã hội.

Hiện tại, khoảng 68 quốc gia đang triển khai chiến lược an sinh xã hội quốc gia, trong đó xây dựng các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống đối với người nghèo.

Năm 2009, con số này mới là 19. Ngoài ra, 10 quốc gia đã thành lập các cơ quan chuyên trách để phối hợp thực hiện các chương trình xã hội trên tất cả lĩnh vực và ngành nghề nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác giảm nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục