900.000 lao động ở Indonesia có nguy cơ mất việc

900.000 công nhân ở Indonesia có nguy cơ thất nghiệp bởi doanh nghiệp không chịu nổi các chi phí phát sinh do tăng lương tối thiểu.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, ông Hidayat vừa cảnh báo nguy cơ xảy ra tình trạng sa thải lao động hàng loạt ở nước này nếu các cơ quan có thẩm quyền không trì hoãn việc thực hiện tăng mức lương tối thiểu, nhất là tại các khu công nghiệp và trong các ngành sử dụng nhiều lao động.

Bộ trưởng Hidayat cho biết khoảng 900.000 công nhân đang làm việc tại ít nhất 1.320 công ty trong các lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát, thuốc lá, dệt may, giày dép và đồ da, đồ chơi và đồ nội thất có nguy cơ thất nghiệp, bởi các doanh nghiệp không chịu nổi các chi phí phát sinh do mức lương tối thiểu mới tăng trung bình 43% so với trước đó.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, ông Hidayat lưu ý rằng việc cắt giảm số lượng lao động để bù đắp cho sự gia tăng tiền lương cần được cân nhắc kỹ, bởi đây là một giải pháp cực kỳ tốn kém, mất nhiều thời gian để phục hồi.

Chính quyền các tỉnh ở Indonesia, dưới áp lực chủ yếu từ công nhân đình công, hồi cuối năm 2012 đã đồng ý tăng 30-40% lương tối thiểu trong năm 2013, một con số vượt quá xa mức tăng trung bình tương ứng 15% theo đề xuất của các doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho các công ty, đồng thời vẫn đảm bảo cải thiện đời sống của người lao động, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã đồng ý về mặt nguyên tắc hỗ trợ các ngành sử dụng nhiều lao động, theo đó các công ty sử dụng nhiều lao động phải đăng ký với Bộ Nhân lực và Di cư để được xem xét và cấp phép chưa phải thực hiện chính sách tăng lương tối thiểu năm 2013.

Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này đang vấp phải một rào cản là theo quy định, chỉ doanh nghiệp nào hai năm liền thua lỗ mới thuộc diện được xem xét.

Người phát ngôn Bộ Nhân lực và Di cư Suhartono cho biết theo đề nghị của các doanh nghiệp và các bộ liên quan, bộ này hiện đang trong quá trình sửa đổi và cũng đang tiến hành đàm phán với chính quyền các tỉnh, Hiệp hội các chủ sử dụng lao động (Apindo), Phòng Thương mại và Công nghiệp (Kadin) và các nghiệp đoàn ở Indonesia về các vấn đề liên quan đến việc sửa đổi quy định nói trên.

Mặc dù đã tăng trưởng trên 6% trong vài năm qua, song nền kinh tế Indonesia vẫn luôn phải đối mặt với mối lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp cao, bởi theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS), nước này hiện có khoảng 41,4 triệu người, hay 35% lực lượng lao động, thất nghiệp hay bán thất nghiệp.

Trong khi đó, Chủ tịch Apindo, ông Sofjan Wanandi lưu ý đã có khoảng 15.000 người ở Jakarta bị mất việc làm trong vài tháng qua vì chính sách tiền lương mới, và hơn 10 công ty nước ngoài, chủ yếu là từ Hàn Quốc và Ấn Độ, đã chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh sang các nước châu Á khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục