96% trẻ em ở vùng nguy cơ cao được uống vắcxin phòng bại liệt

Chương trình uống bổ sung vắcxin phòng bại liệt (OPV) cho hơn 1,2 triệu trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao sắp hoàn thành với tỷ lệ cao.
96% trẻ em ở vùng nguy cơ cao được uống vắcxin phòng bại liệt ảnh 1Nhân viên y tế cho trẻ uống vắcxin phòng bại liệt tại vùng nguy cơ cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 29/4, theo thông tin mới nhất từ Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, chương trình uống bổ sung vắcxin phòng bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao sắp hoàn thành với tỷ lệ cao.

Trong vòng 1 của chương trình đã có 96% trẻ được uống vắcxin OPV.

Chương trình uống bổ sung vắcxin phòng bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao được khởi động từ tháng 2-4/2016, được triển khai tại 19 tỉnh với 119 huyện trong đó có 7 tỉnh miền Bắc, 5 tỉnh miền Trung, 1 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh miền Nam.

Chương trình đặt mục tiêu có hơn 1,2 triệu trẻ thuộc đối tượng uống vắcxin bại liệt trong lần này.

Hiện nay, Đồng Tháp là tỉnh có tỷ lệ cao nhất với 99% trẻ thuộc nhóm đối tượng của chiến dịch được uống vắcxin OPV. Riêng tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành đợt uống bổ sung với tỷ lệ đạt 98%.

Tại Việt Nam, bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000 và gần như bị “lãng quên” trong cộng đồng do hơn 15 năm qua không có ca bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh bại liệt lại gây nhiều di chứng nặng nề vẫn còn nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam do dịch vẫn xuất hiện tại một số quốc gia láng giềng.

Năm 2015, vẫn có 70 trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dại được ghi nhận ở hai quốc gia trên thế giới là Pakistan và Afghanistan. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ quay trở lại, kể cả ở những nước đã đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt.

Từ tháng 9/2015 đến nay, Lào đã ghi nhận 11 trường hợp bại liệt ở trẻ em và người lớn. Phần lớn các trường hợp này chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Do vậy, việc triển khai uống bổ sung vắcxin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi tại một số vùng nguy cơ cao có tỷ lệ uống vắcxin OPV trong tiêm chủng thường xuyên thấp dưới 90%, vùng có cửa khẩu quốc tế hay vùng có biên giới có lượng người giao lưu tiểu ngạch lớn là cần thiết.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, tiêm và uống vắcxin là biện pháp chủ động phòng bệnh bại liệt hiệu quả nhất.

Trên phạm vi toàn quốc, lịch uống vắcxin phòng bệnh bại liệt (OPV) đối với trẻ dưới 1 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên như sau: Liều thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi; Liều thứ hai khi trẻ 3 tháng tuổi; Liều thứ 3 khi trẻ 4 tháng tuổi.

Ngoài ra, các trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao được uống bổ sung vắcxin phòng bệnh bại liệt nhằm đảm bảo duy trì miễn dịch cao trong cộng đồng.

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh do virus bại liệt (Polio) gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm virus bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang vi rút bại liệt.

Bệnh có thể tiến triển nặng, đau cơ dữ dội, cổ cứng, cứng lưng, liệt mềm có thể xảy ra và dẫn tới tử vong; di chứng liệt thường không hồi phục và gây tàn tật suốt đời.

Virus bại liệt dễ dàng lan truyền gây thành dịch lớn trong điều kiện đối tượng không sử dụng vắcxin phòng bệnh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục