ADB: Tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng thấp hơn mức cần thiết

Báo cáo của ADB nhận định Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tốc độ này thấp hơn mức cần thiết để đạt vị thế nước có thu nhập trung bình cao năm 2030.
ADB: Tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng thấp hơn mức cần thiết ảnh 1Các chuyên gia ADB cho rằng năng suất nông nghiệp của Việt Nam vẫn thấp so với các nước láng giềng. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011.”

Đó là phát biểu của ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) tại Việt Nam tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2017” ngày 10/4 tại Hà Nội.

Báo cáo nhận định Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tốc độ này thấp hơn mức cần thiết để đạt vị thế nước có thu nhập trung bình cao năm 2030. Nguyên nhân là dù lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đang bùng nổ, nông nghiệp lại thành nhân tố kéo tụt tăng trưởng. Ngành này đóng góp tới 18% GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng vài năm gần đây chỉ bằng một phần ba công nghiệp-dịch vụ.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011.”

Báo cáo nêu bật rằng sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba của Indonexia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philippin. Báo cáo cũng nhấn mạnh do Việt Nam đang phục hồi sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thập niên, việc thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ có tầm quan trọng sống còn để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao.

“Trong khi Việt Nam tiếp tục khắc phục những tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, các cải cách sâu rộng hơn và nguồn vốn đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực này sẽ có vai trò then chốt để tăng năng suất nông nghiệp và bảo đảm tăng trưởng đồng đều và bền vững về môi trường trong dài hạn,” ông Sidgwick nói thêm.

Vì vậy, để cải thiện tăng trưởng, ADB cho rằng Việt Nam để chuyển đổi nông nghiệp, cần giải quyết một số thách thức cơ bản trong chính sách – bao gồm tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị gia tăng cao hơn, áp dụng các thông lệ quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn, và tích hợp hiệu quả hơn những cân nhắc về biến đổi khí hậu vào trong các quy trình ra quyết định.

Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết bớt biến động hơn. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng khu vực này tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam, làm giảm đà tăng trưởng chung.

Và theo nhận định trong của ADB, nếu như tăng trưởng nông nghiệp đạt 5%/năm thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức hơn 7%/năm.

Ngoài ra, Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2017 cũng đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.

Báo cáo ghi nhận rằng những mức kỷ lục được duy trì trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam, được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay lên 33 triệu người vào năm 2030, cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ.

Cán cân thanh toán được dự báo tiếp tục ổn định, bất chấp biến động trên thị trường toàn cầu. Thặng dư vãng lai của Việt Nam sẽ vào khoảng 2% năm nay và 2,5% năm tới. Kiều hối và dự trữ ngoại hối cũng được kỳ vọng tăng cao. Trong khi đó, lạm phát năm nay có thể vào khoảng 4% và nhích dần lên 5% năm tới, do giá hàng hóa toàn cầu hồi phục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục