ADB: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt mức kỳ vọng

ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay.
ADB: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt mức kỳ vọng ảnh 1Lãnh đạo ADB tại buổi họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, với các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý, góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Đây là nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADOU) được ADB công bố ngày 22/9 tại Hà Nội.

Nâng mức dự báo GDP lên 6,5%

Theo đó, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay (tương đương mức 6,1% và 6,2%).

Ông Eric Sidgwick, tân Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: “Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện.”

Báo cáo phân tích, tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên.

Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng Tám năm nay thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD trong 8 tháng qua. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng Tám.

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỷ lệ một nửa ở thời điểm 5 năm trước đây. Các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỷ USD mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây.

Một số dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng bao gồm: chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy sản xuất mở rộng trong 24 tháng liên tiếp tính đến tháng ​Tám vừa qua, mặc dù số đơn hàng xuất khẩu giảm nhẹ từ tháng Sáu cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp có thể giảm đi.

Triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn nhờ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam, cũng như việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế công nghiệp lớn trong năm 2016 sẽ khích lệ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư, song phần nào bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng, chính sách tài khóa sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm 2016. Kể từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục. Nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ mở mức 28% GDP trong 3 năm qua, được kìm giữ bởi các thủ tục huy động nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, theo ông Aaron Batten, những mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc Chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, thách thức đối với Chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế.

Cũng theo các chuyên gia của ADB, lạm phát dự báo sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước vào thời điểm tháng 12 năm nay do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng, tăng cung tiền, tăng giá xăng dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỷ giá 3% đối với giá nhập khẩu.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm nay thậm chí còn nhẹ hơn so với dự báo đã nêu trong ADO 2015, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%. Lạm phát sẽ vẫn tăng lên đến 4,0% trong năm 2016. Lạm phát thấp như vậy có thể sẽ làm cho lãi suất giảm.

ADB: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt mức kỳ vọng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: BaovietBank)


Khu vực tài chính có nhiều dấu hiệu tích cực

Tân Giám đốc ADB nhận định, sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ vượt qua chỉ tiêu ban đầu 13-15% của Chính phủ và sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2016. Cầu tín dụng đang tăng và những báo cáo cải thiện tình hình nợ xấu và bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện để tăng cường hoạt động cho vay.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới lỏng quy định cho các ngân hàng trong việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Một chương trình sáp nhập hoặc đóng cửa các ngân hàng nhỏ và yếu kém sẽ giúp cho hệ thống tài chính trở nên lành mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang khuyến khích các ngân hàng sáp nhập để đến năm 2017 sẽ giảm số ngân hàng xuống còn khoảng một nửa.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương với mục tiêu hỗ trợ năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và phản ứng trước xu hướng mất giá của các đồng tiền châu Á khác, đã điều chỉnh tỷ giá của đồng Việt Nam so với đồng USD ba lần trong 8 tháng qua, mỗi lần điều chỉnh tỷ giá tham chiếu 1%.

Trong tháng Tám, Ngân hàng Nhà nước đã tăng biên độ giao dịch ngoại hối từ 1% lên 3% cả hai chiều tỷ giá tham chiếu. Cộng với kỳ vọng đồng tiền tiếp tục giảm giá ở các nền kinh tế châu Á khác, động thái này góp phần làm cho tỷ giá đồng Việt Nam so với USD trên thị trường tự do giảm 3,4% trong tháng Tám. Dự trữ ngoại hối tăng, ước đạt 2,8 tháng nhập khẩu tại thời điểm cuối tháng Sáu so với 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2014.

Báo cáo cũng đưa ra phân tích, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại năm nay đã giảm, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và thị trường bất động sản đã có sự hồi phục. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng giảm từ 4,8% hồi tháng 12/2014 xuống 3,7% trong tháng ​Sáu. Việc triển khai đầy đủ các quy định nâng cao về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trong tháng ​Tư đã thu hẹp khoảng cách giữa con số nợ xấu theo báo cáo và con số ước tính cao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế. Những quy định mới này cũng giúp tăng cường công tác thanh tra giám sát an toàn trong hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, báo cáo cũng phân tích thêm, mặc dù đạt được các thành tựu này, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam - có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp.

“Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam,” ông Sidgwick khuyến cáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục