Ai Cập bác tin thảo luận với Israel về đập thủy điện Đại Phục hưng

Chính phủ Ai Cập đã bác bỏ thông tin về việc Cairo đề nghị Israel làm trung gian trong vấn đề đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia.
Ai Cập bác tin thảo luận với Israel về đập thủy điện Đại Phục hưng ảnh 1Đập thủy điện Đại Phục hưng trên sông Nile phần chảy qua lãnh thổ Ethiopia. (Nguồn: thecairopost)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã bác bỏ thông tin về việc Cairo đề nghị Israel làm trung gian trong vấn đề đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia.

Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập ngày 1/8 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid tuyên bố thông tin được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông cho rằng chuyến công du của Ngoại trưởng Sameh Shoukry tới Israel liên quan đến vấn đề đập thủy điện Đại Phục hưng là hoàn toàn “không có căn cứ.”

Ông Abu Zeid nêu rõ các cuộc thảo luận gần đây giữa Ngoại trưởng Shoukry và các quan chức Israel chỉ tập trung vào việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, cũng như các vấn đề song phương.

Theo ông Abu Zeid, các cuộc đàm phán 3 bên hiện nay giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã đảm bảo việc thực hiện lợi ích của ba nước liên quan tới đập thủy điện xây dựng trên sông Nile Xanh - một trong hai nhánh của sông Nile.

Các tuyên bố về các nguyên tắc giữa các bên liên quan đã được ký ở Sudan hồi tháng Ba năm nay là cơ sở để giải quyết mối quan hệ ba bên.

Với tổng kinh phí xây dựng 4,2 tỷ USD và công suất 6.000 MW, đập thủy điện Đại Phục hưng là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3.

Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2017. Chính phủ Ethiopia coi dự án là một “dấu mốc lịch sử,” sẽ giúp nước này khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, là quốc gia ở hạ nguồn, Ai Cập phản ứng rất dữ dội do quan ngại đập thủy điện Đại Phục hưng sẽ làm giảm nguồn nước cũng như tác động tiêu cực đến môi trường ở hạ nguồn.

Đập thủy điện này khi được khánh thành sẽ cần khoảng 30 tỷ m3 nước/năm và điều này được cho là sẽ làm hồ Nasser của Ai Cập khô cạn, khiến hoạt động cấp điện từ đập thủy điện Aswan của Ai Cập bị ngưng trệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục