Ai Cập "bơm" thêm 14 tỷ USD để giảm áp lực khan hiếm ngoại tệ

Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã giải ngân hơn 14 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại trong ba tháng qua nhằm tạo thuận lợi cho nhập khẩu và kiềm chế sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu.
Ai Cập "bơm" thêm 14 tỷ USD để giảm áp lực khan hiếm ngoại tệ ảnh 1Khách du lịch tham quan khu vực Kim tự tháp Giza ở Ai Cập ngày 11/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Ai Cập thông báo đã giải ngân hơn 14 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại trong ba tháng qua nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu và kiềm chế sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu.

Ai Cập đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng cản trở hoạt động nhập khẩu và sản xuất công nghiệp.

Nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này đã bị suy sụp kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 do hoạt động đầu tư nước ngoài giảm sút và nguồn thu ngoại tệ từ khách du lịch bị ảnh hưởng vì tình hình an ninh bất ổn.

Trong những tháng gần đây, Chính phủ Ai Cập đã áp dụng các biện pháp khác nhau, như hạn chế nhập khẩu bằng cách áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nước ngoài, trong khi Ngân hàng Trung ương Ai Cập buộc phải "bơm" thêm ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng thương mại để bình ổn giá các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.

Ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại Ai Cập đã bắt tay triển khai kế hoạch khẩn cấp này nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp các sản phẩm và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân Ai Cập.

Trong vòng ba tháng qua, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã cung cấp hơn 14 tỷ USD để giảm áp lực khan hiếm ngoại tệ và động thái này đã có tác động tích cực ngay lập tức đối với hoạt động ngoại thương và sản xuất công nghiệp.

Việc "bơm" thêm ngoại tệ đã giúp làm giảm giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu từ 25% đến 35%.

Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Ai Cập cho biết việc "bơm" thêm USD vào hệ thống ngân hàng thương mại không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ.

Dự trữ ngoại tệ của Ai Cập vẫn duy trì ổn định ở mức 16 tỷ USD trong những tháng gần đây, đủ chi trả cho hoạt động nhập khẩu trong 3 tháng.

Trong một động thái khác nhằm hạn chế tình trạng đôla hóa nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã tăng lãi suất tiền gửi bằng đồng bảng Ai Cập lên 12,5% từ mức 10%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục