Ai Cập để ngỏ "mọi giải pháp" đối với đập thủy điện

Ai Cập tiếp tục yêu cầu Ethiopia ngừng xây dựng đập thủy điện trên sông Nile, đồng thời cảnh báo "mọi giải pháp vẫn để ngỏ."

Ngày 5/6, Chính phủ Ai Cập tiếp tục yêu cầu Ethiopia ngừng xây dựng đập thủy điện trên sông Nile, đồng thời cảnh báo "mọi giải pháp vẫn để ngỏ" nếu dự án này gây tổn hại đến nguồn cung cấp nước cho các nước vùng hạ lưu, trong đó có Ai Cập.

Hãng tin chính thức MENA dẫn lời cố vấn của Tổng thống Ai Cập Ayman Ali cho biết Ai Cập có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia, các nước khác có quyền theo đuổi lợi ích của mình song cần đảm bảo rằng dự án đập thủy điện của Ethiopia không gây phương hại đến quyền lợi của Ai Cập, nếu không, mọi giải pháp vẫn còn để ngỏ.

Theo ông Ayman Ali, dự án đập thủy điện nói trên của Ethiopia liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia của Ai Cập và Cairo hy vọng các bên sẽ tiến hành đàm phán nhằm bảo đảm quyền lợi của tất cả các nước thuộc lưu vực sông Nile.

Ai Cập cho rằng cần có thêm các nghiên cứu về tác động của việc xây đập thủy điện đối với nguồn cung cấp nước của toàn bộ các nước vùng hạ lưu, đặc biệt là nhánh sông Nile Trắng từ vùng Hồ Lớn ở Đông Phi.

Quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia trở nên căng thẳng sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Nile Xanh - một trong hai nhánh chính của sông Nile - trong khuôn khổ dự án xây dựng đập thủy điện "Đại phục hưng Ethiopia," có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD, với công suất 6.000 MW. Giai đoạn đầu của dự án dự khiến sẽ được hoàn thiện trong 3 năm tới.

Chính quyền Cairo cho rằng Ai Cập có quyền lợi lịch sử đối với nguồn nước sông Nile. Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này, song văn bản này chỉ mang tính ràng buộc đối với 3 quốc gia thượng nguồn vốn là thuộc địa của Anh gồm Tazania, Kenya và Uganda.

Năm 1959, Ai Cập và Sudan ký một thỏa thuận cho phép Cairo khai thác 66% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm, trong khi Sudan được khai thác 22% (tỷ lệ 12% còn lại thất thoát do nước bay hơi).

Tuy nhiên, các nước thượng nguồn cho rằng họ không phải là một bên tham gia ký kết thoả thuận trên và do vậy không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này.

Tháng 5/2010, Ethiopia soạn thảo một thỏa thuận mới, theo đó cho phép các nước khác thuộc lưu vực sông Nile được thực hiện các dự án khai thác nguồn nước sông Nile mà không cần sự chấp thuận của Ai Cập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục