Ai Cập kết thúc việc vận động tranh cử tổng thống

Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Ai Cập đã kết thúc bởi các hoạt động tranh cử bị cấm 2 ngày trước khi diễn ra bầu cử.
Tối 20/5, 12 ứng cử viên tổng thống Ai Cập đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử, bởi theo quy định, tất cả các hoạt động tranh cử dưới mọi hình thức sẽ bị cấm 2 ngày trước khi diễn ra bầu cử mang tính lịch sử ở nước này.

Phát biểu tại thủ đô Cairo trước khi chiến dịch vận động tranh cử của mình, ứng cử viên Amr Moussa, cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL), một trong số các ứng cử viên "nặng ký" nhất, đã kêu gọi toàn thể cử tri đi bỏ phiếu để tham gia quá trình lựa chọn tương lai.

Ông nhấn mạnh rằng tại cuộc bầu cử này, người dân Ai Cập không chỉ lựa chọn một nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc, có kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo, mà còn khẳng định số phận của mình khi lựa chọn con đường đi tới dân chủ, tự do và phẩm giá.

Ông Moussa cho rằng cuộc bầu cử này là cơ hội để người dân Ai Cập lựa chọn việc hướng tới những mục tiêu xây dựng đất nước dân chủ, nền kinh tế có khả năng cạnh tranh hoặc bước vào vòng xoáy bất ổn trong khu vực cũng như những tranh cãi triền miên trong nước.

Ông Moussa còn hứa hẹn về một đất nước Ai Cập hùng mạnh, chung sống thân thiện giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo, không phân biệt đối xử nam nữ, một đất nước có khả năng xóa bỏ đói nghèo, thất học và thất nghiệp.

Trong khi đó, ứng cử viên nhiều triển vọng, cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq cam kết xây dựng một đất nước an ninh, thượng tôn pháp luật và phát triển cân đối. Ông Shafiq kêu gọi người dân Ai Cập sẽ sáng suốt lựa chọn một vị tổng thống có thể tạo ra nhiều việc làm và cung cấp lương thực cho người dân.

Trong nỗ lực vận động tranh cử cuối cùng, Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP) Mohamed Morsi cho rằng người dân sẽ thể hiện ý nguyện của mình qua cuộc bầu cử. Ứng cử viên này cũng nhấn mạnh tới những "dự án cần thiết" do ông đề xuất và khẳng định những dự án này không phải là ảo tưởng mà là những kế hoạch có tính khả thi cao. Ông Morsi là người nhận được sự hậu thuẫn của Tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức hoạt động mạnh ở cấp cơ sở.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do một tổ chức độc lập tiến hành, hiện ứng cử viên Ahmed Shafiq đang dẫn điểm cao nhất, tiếp theo lần lượt là các ứng cử viên Am Moussa, Abdel Moneim Abol Fotoh.

Khoảng 600.000 người Ai Cập sinh sống ở nước ngoài đã được bỏ phiếu bầu tổng thống trước. Hiện chưa có kết quả chính thức. Số cử tri ở trong nước là 50,4 triệu người. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 20/5 cho thấy, có tới 37% cử tri Ai Cập chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào, do đó việc ai là người thắng cử vẫn là một ẩn số lớn.

Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử tổng thống tối cao (HPEC) Ai Cập, ông Hatem Bagato, ngày 20/5 tuyên bố ủy ban này đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổ chức trong hai ngày 23-24/5.

HPEC đã cấp phép cho 3 tổ chức nước ngoài và 49 tổ chức địa phương quan sát cuộc bầu cử. HPEC sẽ triển khai 14.500 thẩm phán và 65.000 nhân viên tham gia giám sát quá trình bầu cử. Các lực lượng cảnh sát và quân đội hợp tác chặt chẽ, áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn các hành vi gian lận trong bầu cử.

Trước đó, HPEC đã cam kết cuộc bầu cử sẽ diễn ra tự do và công bằng. Theo kế hoạch, kết quả bầu cử sẽ được công bố ngày 21/6 và Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) sẽ chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo mới của Ai Cập vào ngày 30/6./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục