Ai Cập khẳng định tình hình dịch bệnh 'chưa đến mức báo động'

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước Trung Đông và Bắc Phi

Truyền thông nhà nước Ai Cập ngày 2/4 dẫn phát biểu của Thủ tướng Madbouly nêu rõ: "So với quy mô dân số 100 triệu người thì Ai Cập vẫn ở giai đoạn giữa của dịch bệnh."
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước Trung Đông và Bắc Phi ảnh 1Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập, ngày 31/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly xác nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia Bắc Phi này đã chạm mốc 850, song cho rằng dịch bệnh này ở Ai Cập chưa đến giai đoạn bùng phát nghiêm trọng.

Truyền thông nhà nước Ai Cập ngày 2/4 dẫn phát biểu của Thủ tướng Madbouly nêu rõ: "So với quy mô dân số 100 triệu người thì Ai Cập vẫn ở giai đoạn giữa của dịch bệnh."

Tuần trước, trung bình mỗi ngày Ai Cập ghi nhận khoảng 30-40 ca nhiễm SARS-CoV-2, tuần này tăng lên 50-60 ca và dự kiến sẽ dao động trung bình 60-70 ca vào tuần tới.

Theo Thủ tướng Madbouly, mức tăng nói trên "chưa đáng báo động" và tình hình chỉ đáng lo ngại khi có hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày.

[Ai Cập: Đại Kim tự tháp thắp sáng tình đoàn kết giữa đại dịch COVID-19]

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Ai Cập "không mong muốn đến giai đoạn này," do đó ông kêu gọi người dân không đánh giá thấp tình hình dịch bệnh và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa mà chính phủ đang triển khai.

Thủ tướng Madbouly cho biết thêm theo sáng kiến của Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed, quốc gia này có kế hoạch triển khai khoảng 1.000 xe cứu thương, có vai trò như “phòng khám di động” tại các nhà máy và công trường xây dựng nhằm cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cho người lao động và sẵn sàng phản ứng nhanh nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào nhiễm SARS-CoV-2.

Các cửa hàng ở Palestine sẽ đóng cửa sau 17 giờ

Cùng ngày, Thủ tướng Palestine Mohamed Ishtaye đề nghị Tổng thống Mahmoud Abbas mở rộng áp đặt tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Tại cuộc gặp những người đứng đầu các cơ quan chính quyền Palestine như an ninh, y tế và lao động, Thủ tướng Ishtaye nhấn mạnh Palestine "vẫn duy trì mức độ kiểm soát cao đối với đại dịch này, nhưng phải mở rộng diện áp đặt tình trạng khẩn cấp để kiểm soát những người làm việc và trở về từ Israel."

Chính quyền Palestine cũng đã yêu cầu phía Israel thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch đối với công nhân trước khi họ trở về các vùng lãnh thổ Palestine hoặc tổ chức cho họ trở về dần theo nhóm để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra và kiểm soát.

Thủ tướng Ishtaye cho biết thêm Palestine sẽ thắt chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tăng các ca nhiễm bệnh khi công nhân Palestine trở về từ Israel và các khu định cư của Israel.

Người dân hạn chế đi lại từ 10-17 giờ mỗi ngày. Tất cả các cửa hàng sẽ đóng cửa sau 17 giờ, ngoại trừ các hiệu thuốc.

Theo số liệu chính thức, hiện có khoảng 45.000 công nhân Palestine vẫn đang làm việc tại Israel hoặc tại các khu định cư của Israel ở Bờ Tây.

Cùng ngày, chính quyền Palestine công bố số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các vùng lãnh thổ Palestine là 161 ca, trong đó 1 ca tử vong.

Số ca nhiễm và tử vong trong ngày tại Algeria tăng mạnh

Tại Algeria, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch COVID-19 ngày 2/4 cho biết trong vòng 24 giờ nước này đã ghi nhận thêm 139 trường hợp nhiễm bệnh và 25 ca tử vong.

Tổng số ca nhiễm và tổng số ca tử vong trên toàn Algeria lần lượt lên tới 986 và 86 ca. Dịch COVID-19 đến nay đã lan ra 40/44 tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài ra, có tổng cộng 61 ca đã được chữa khỏi, trong khi 839 trường hợp mắc COVID-19 đang được chăm sóc tại các bệnh viện.

Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ 2 tại châu Phi, chỉ sau Nam Phi.

Hiện Algeria đang trong tình trạng báo động cao nhất nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Chính phủ nước này yêu cầu tất cả công dân ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

Báo chí Bắc Phi chịu tác động lớn

Cùng ngày, truyền thông và giới chức Tunisia cho biết các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã tác động tới việc phát hành và xuất bản các ấn phẩm báo chí trên toàn lãnh thổ nước này.

Hiệp hội các Tổng biên tập (FTDJ) cho biết có tới 7 tờ nhật báo và 20 ấn phẩm báo tuần tại Tunisia phải tạm thời đình bản trong những ngày gần đây, do tác động từ lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ hôm 22/3 vừa qua.

Tại Maroc, Bộ Văn hóa nước này tuần trước kêu gọi ngừng xuất bản và phát hành báo cho đến khi có thông báo mới.

Hãng thông tấn MAP dẫn lời một người phát ngôn Bộ trên nêu rõ quyết định này là nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan đại dịch COVID-19, bởi mỗi ngày có rất nhiều người tham gia các khâu liên quan phát hành báo.

Tại Algeria chỉ còn một số ít báo vẫn tiếp tục hoạt động, song số ấn bản phát hành ở mức hạn chế kể từ khi lệnh phong tỏa một phần có hiệu lực hôm 2/3 vừa qua./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục