Ai Cập: Phe đối lập ra điều kiện tham gia đối thoại

Mặt trận Cứu quốc (NSF) đã đưa ra các điều kiện tiên quyết cho việc tham gia các vòng đối thoại dân tộc với Tổng thống Mohamed Morsi.
Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính tại Ai Cập, ngày 19/2 đã đưa ra các điều kiện tiên quyết cho việc tham gia các vòng đối thoại dân tộc với Tổng thống Mohamed Morsi.

Trong một tuyên bố, NSF yêu cầu Tổng thống phải có các "bước đi nghiêm túc" hướng tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc cũng như xét xử những người có liên quan đến cái chết của người biểu tình mới đây.

Liên minh đối lập này cũng nhắc lại các yêu sách đã nêu ra trước đây, trong đó có việc bổ nhiệm Tổng công tố mới theo quy định của Hiến pháp, sửa đổi văn kiện gây tranh cãi này, hoãn cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, đảm bảo sự giám sát của ngành tư pháp và các tổ chức quốc tế trong cuộc bầu cử quốc hội.

Tuyên bố của NSF cũng hoan nghênh sáng kiến mới đây của đảng Hồi giáo Salafist Nour nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay cũng như các nỗ lực của đảng này trong việc hoàn thành các mục tiêu cách mạng theo cách thức hòa bình. Ngoài ra, NSF bác bỏ tin đồn về việc Chủ tịch đảng Trào lưu Nhân dân Hamdeen Sabbahi đã rút khỏi liên minh đối lập này.

Cùng ngày, sau cuộc họp kéo dài 3 giờ giữa lãnh đạo các đảng, gồm các ông Mohamed ElBaradei của đảng Hiến pháp, Al-Sayed al-Badawy của đảng Wafd, Saad al-Katatny của đảng Tự do và Công lý (FJP), liên minh NSF tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội sắp tới trừ phi cuộc bỏ phiếu này được tổ chức công bằng, dưới sự giám sát của quốc tế, đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ trung lập được các đảng phái lớn ủng hộ và có khả năng giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay. Liên minh này cũng cáo buộc Tổng thống Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo phải chịu trách nhiệm về tình trạng suy giảm kinh tế và xã hội.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình rầm rộ tại thành phố cảng Port Said, thuộc tỉnh cùng tên nằm dọc kênh đào Suez, theo lời kêu gọi của một nhóm cổ động viên câu lạc bộ bóng đá al-Masry, đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp, khiến mọi hoạt động tại địa phương này bị đình trệ.

[Ai Cập chưa tiến hành bầu cử quốc hội như dự kiến]


Ít nhất 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ tiến hành điều tra và xét xử những người chịu trách nhiệm về các vụ bạo lực xảy ra vào ngày 26/1 vừa qua tại thành phố này khiến ít nhất 40 thiệt mạng và khoảng 250 người bị thương. Người biểu tình còn đe dọa sẽ ngăn cản hàng nghìn công nhân từ các thành phố lân cận sang Port Said làm việc, đồng thời tuyên bố sẽ không lùi bước và sẽ có các hành động leo thang tiếp theo nếu chính phủ không đáp ứng các yêu cầu trên.

Nhằm làm dịu căng thẳng tại đây, ngày 19/2, Tổng thống Morsi đã trình Hội đồng Shura (tức Thượng viện) một dự thảo luật nhằm khôi phục khu vực mậu dịch tự do tại Port Said và trích khoảng 60 triệu USD từ nguồn thu nhập hàng năm của kênh đào Suez để phát triển 3 tỉnh dọc tuyến đường thủy chiến lược này gồm Port Said, Suez và Ismailia, cũng như tạo thêm việc làm.

Hôm 27/1, Tổng thống Morsi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm tại 3 địa phương trên trong vòng một tháng sau khi xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Tại Ismailia, các phong trào cách mạng và chính đảng ở tỉnh này đã kêu gọi tổ chức các hoạt động "bất tuân dân sự" trên toàn tỉnh vào ngày 20/2 nhằm đòi Nội các và Tổng công tố từ chức, sửa đổi Hiến pháp, điều tra các vụ sát hại người biểu tình tại các địa phương nằm dọc kênh đào Suez trong các vụ bạo động mới đây đồng thời bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Theo các nhà tổ chức, chiến dịch "bất tuân dân sự" tại địa phương này chỉ chấm dứt khi nào các yêu cầu trên được đáp ứng.

Đảng Jama'a al-Islamiya thông báo đã cùng 13 phong trào và chính đảng Hồi giáo khác tại Ai Cập thành lập các nhóm tự vệ nhằm chống lại những "kẻ phá hoại," "côn đồ" và các nhóm biểu tình quá khích. Hiện đảng này đang mời tổ chức Anh em Hồi giáo và lực lượng Salafi tham gia thành lập các nhóm tự vệ chung nhằm "giúp lực lượng cảnh sát khôi phục trật tự."

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 19/2, một phái đoàn quân sự Mỹ gồm 17 thành viên đã tới thủ đô Cairo để thảo luận với giới chức quân sự Ai Cập về các vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và các diễn biến mới đây trong khu vực.

Theo nhật báo Al-Watan, dự kiến, phái đoàn trên, trong đó có các cựu chỉ huy quân đội Mỹ, sẽ có các cuộc gặp với một số tướng lĩnh quân đội Ai Cập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục