Ai hưởng lợi nhiều nhất từ thống nhất bán đảo Triều Tiên?

Ai hưởng lợi nhiều nhất từ việc thống nhất bán đảo Triều Tiên?

Điều dễ nhận thấy nhất từ kịch bản thống nhất bán đảo Triều Tiên là khoảng cách kinh tế giữa hai miền sẽ được thu hẹp đáng kể và hệ thống cơ sở hạ tầng của Triều Tiên sẽ được cải thiện.
Ai hưởng lợi nhiều nhất từ việc thống nhất bán đảo Triều Tiên? ảnh 1Người anh trai ở Triều Tiên Kim Chang-Ho (phải), 87 tuổi xúc động khi gặp lại em gái Kim Kum-Sun (trái), 78 tuổi, ở Hàn Quốc trong cuộc đoàn tụ gia đình ly tán ở Kumgang ngày 22/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong các ngày 20-26/10 năm nay, gần 700 người dân Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã may mắn được gặp lại người thân trong cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán vì sự chia tách hai miền Nam Bắc. Đây là đợt đoàn tụ gia đình trực tiếp lần thứ 20 được thực hiện giữa hai bên kể từ khi cuộc chiến tranh liên Triều kết thúc hơn 60 năm qua.

Nước mắt trong những ngày đoàn tụ đó càng làm tăng thêm sự mong mỏi về ngày thống nhất giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, kịch bản thống nhất đó chưa thể diễn ra sớm.


Ly tán và đoàn tụ

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, với việc Nhật Bản chính thức đầu hàng, người dân Triều Tiên đã khát khao mơ về ngày thống nhất. Nhưng họ lại thất vọng do cuộc Chiến tranh Lạnh giữa phương Đông và phương Tây diễn ra và tiếp tục phải chịu cảnh đất nước bị chia cắt.

Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, mặc dù cả hai miền đã nỗ lực để xây dựng khuôn khổ cho phát triển quan hệ liên Triều và thực tế là đã có những thỏa thuận quan trọng được ký kết, song mối quan hệ này vẫn chưa thể hòa giải và tới nay vẫn chưa có một hiệp định hòa bình chính thức nào được ký kết giữa hai bên. Thành viên các gia đình bị ly tán không có cách nào để liên lạc với nhau và biết rất ít thông tin về cuộc sống của nhau. Có không ít ý kiến cho rằng sự bí ẩn của Triều Tiên - mảnh đất khép kín không phải lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa hay bắt tay với bên ngoài - chính là một trong những yếu tố khiến vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán trở nên khó khăn hơn.

Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung nhậm chức vào năm 1998, chính quyền miền Nam với chủ trương tách biệt vấn đề kinh tế với vấn đề chính trị, đã cho phép thực hiện những dự án kinh tế quy mô lớn với sự tham gia của cả khu vực tư nhân. Những động thái tích cực này đã dọn đường cho nhiều bước đột phá trong quan hệ liên Triều, trong đó phải kể đến các cuộc đàm phán về việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán.

Cuộc đoàn tụ năm nay được chia thành hai đợt, đợt đầu tiên kéo dài 3 ngày (20-23/10), với sự tham gia của 96 người Triều Tiên và 390 người Hàn Quốc. Đợt hai diễn ra từ ngày 24 đến 26/10 giữa 190 người Triều Tiên và 90 người thân từ Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc lựa chọn những người tham gia cuộc đoàn tụ lần này thông qua hình thức xổ số, còn phía Triều Tiên không tiết lộ phương thức lựa chọn, nhưng có ý kiến cho rằng đây là “phần thưởng” dựa trên lòng trung thành với lãnh đạo nước này. Đây có thể là câu trả lời cho các cuộc đoàn tụ muộn màng của các gia đình ly tán ở hai miền Triều Tiên, với không ít người đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" mà chưa có ngày hội ngộ.

Trong các buổi đoàn tụ có sự kiểm soát nghiêm ngặt này, các gia đình chỉ được gặp nhau sáu lần, mỗi lần kéo dài hai tiếng. 12 giờ gặp mặt là quá ngắn ngủi so với sáu thập niên chia cắt.

Hiện vẫn còn khoảng 65.000 người Hàn Quốc đang chờ đợi được đoàn tụ với người thân. Nhưng những người Triều Tiên được chọn để gặp lại người thân lại rất ít và phải thật may mắn mới có cơ hội. Các cuộc đoàn tụ như lời nhắc nhở sâu sắc nhưng cay đắng rằng bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến năm 1950-1953 chỉ kết thúc với một hiệp ước đình chiến, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.


Bao giờ thống nhất?

Đến nay, cả hai miền Triều Tiên cũng như các cường quốc trong khu vực đều cho rằng sự thống nhất hai miền sẽ không sớm đạt được. Và thậm chí, việc bình thường hóa quan hệ hai miền Triều Tiên vẫn được xem là khá xa vời. Một loạt căng thẳng mới dẫn đến đụng độ ở khu vực biên giới, nơi vừa diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày độc lập bán đảo Triều Tiên hồi tháng 8/2015, cho thấy mức độ nhạy cảm của vấn đề Triều Tiên.

Hàn Quốc vẫn xác định việc thống nhất với Triều Tiên là một chiến lược dài hạn. Kế hoạch thống nhất mà Hàn Quốc dự trù ở đây không mang tính đột ngột và đơn phương, nó bao gồm một tiến trình từ từ được tất cả các bên chấp thuận. Chế độ hiện tại ở Triều Tiên không sẵn sàng chấp nhận việc thống nhất hai miền và thậm chí cả việc bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc.

Mặt khác, Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy chiến lược hướng đến mục tiêu thống nhất với ít tổn thất nhất và không vấp phải xáo trộn nào. Seoul cũng đang cố gắng mở rộng các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trên trường quốc tế. Về cơ bản, có vẻ mọi chuyện đang đi theo hướng có lợi cho Hàn Quốc. Nhưng một khi mục tiêu thống nhất hai miền Triều Tiên chưa được hai bên cùng thúc đẩy, các vấn đề song phương sẽ không hứa hẹn tiến triển nhiều.

Ai hưởng lợi nhiều nhất từ việc thống nhất bán đảo Triều Tiên? ảnh 2Cảnh chia tay đầy xúc động sau các cuộc đoàn tụ những gia đình bị ly tán do chiến tranh tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều dễ nhận thấy nhất từ kịch bản thống nhất bán đảo Triều Tiên là khoảng cách kinh tế giữa hai miền sẽ được thu hẹp đáng kể và hệ thống cơ sở hạ tầng của Triều Tiên sẽ được cải thiện. Người dân miền Bắc sẽ được hưởng các điều kiện sống tốt hơn và nâng cao trình độ học vấn. Hầu hết người dân Triều Tiên đều mong muốn sẽ có ngày nào đó hai miền Nam Bắc thống nhất, để họ có thể gặp lại người thân và cùng xây dựng một đất nước như trước khi bị chia cắt. Tuy nhiên, tương lai này còn rất xa vời khi điều kiện chính trị không cho phép, bởi việc thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lớn tới chế độ đang cầm quyền ở miền Bắc.

Trong khi đó, mong muốn thống nhất với Triều Tiên của Hàn Quốc không chỉ là mục tiêu mang tính chính trị, mà còn bắt nguồn từ lý do kinh tế. Để duy trì sức cạnh tranh trên toàn cầu, Hàn Quốc phải có một dân số và vùng lãnh thổ lớn hơn. Trong trường hợp hai miền thống nhất, để tranh thủ lợi thế từ nhân công giá rẻ, Hàn Quốc có thể mở các nhà máy ở Triều Tiên thay vì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Hàn Quốc cũng có thể sẽ lên kế hoạch nắm bắt động lực kinh tế mới thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án khác ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo thăm dò dư luận, 50% số thanh niên của Hàn Quốc nói rằng họ không muốn thống nhất vì điều đó sẽ rất tốn kém và có thể khiến điều kiện sống của họ xấu đi.

Trong một bản báo cáo về chiến lược hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn, Bộ Tài chính Hàn Quốc khẳng định rằng nếu hai miền Triều Tiên thống nhất trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Hàn Quốc sẽ tốn khoảng 1-7% GDP trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng cho dù rất tốn kém, việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ là một cơ may thực thụ. Miền Nam càng đầu tư nhiều vào miền Bắc, lợi nhuận thu được từ đầu tư càng đáng kể. Nếu miền Nam không làm, và nếu một ngày nào đó Bắc Triều Tiên mở cửa, nhiều nước giàu khác sẽ lao vào để đầu tư.

Một nhân tố khác cũng có thể được hưởng từ việc thống nhất bán đảo Triều Tiên đó là Trung Quốc. Trong một bài trả lời hãng thông tấn Yonhap, người phát ngôn Hàn Quốc Chung Ui-hwa cho biết, cái "lợi" đầu tiên của Trung Quốc nằm ở an ninh hạt nhân. Trung Quốc là nơi có biên giới với Triều Tiên, vẫn thường trực những lo ngại không nhỏ về cách người láng giềng phát triển loại năng lượng nguy hiểm đó. Do vậy, Trung Quốc sẽ nhẹ gánh hơn rất nhiều khi Hàn Quốc sẽ trực tiếp đứng ra kiểm soát mối lo về hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, nếu hai miền thống nhất.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế năng động và phát triển cao của Hàn Quốc có sự hỗ trợ của tiềm năng quân sự đáng gờm của Triều Tiên sẽ tạo thành một đối trọng lớn của Trung Quốc tại khu vực châu Á. Do vậy, xét về khía cạnh nào đó, Bắc Kinh dường như cũng không mấy mặn mà với kịch bản “đoàn tụ” này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục