AIIB tham vọng thổi "làn gió mới" vào hệ thống quản trị toàn cầu

Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình cải cách hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu và phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
AIIB tham vọng thổi "làn gió mới" vào hệ thống quản trị toàn cầu ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh cùng các đại biểu trong ngày thành lập AIIB. (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng vừa chính thức được thành lập vào ngày 25/12, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình cải cách hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu và phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với nhiệm vụ cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn châu Á, AIIB được kỳ vọng sẽ áp dụng các khung tiêu chuẩn ở mức cao và tuân thủ nghiêm túc các quy định.

Phó Tổng Giám đốc điều hành Trung tâm Tài chính và Phát triển châu Á-Thái Bình Dương Zhou Qiangwu, trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, nhận định sự “thành hình” nhanh chóng của AIIB là nhờ vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.

Các quan chức Trung Quốc trước đó đã nhiều lần nhấn mạnh rằng AIIB sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế có chất lượng cao trong cơ cấu quản trị, chính sách hoạt động và quản lý nguồn nhân lực, đảm bảo một môi trường hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.

Theo Phó Tổng Giám đốc Zhou Qiangwu, hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu hiện nay đã thất bại trong việc phản ánh thực trạng của nền kinh tế thế giới và “phớt lờ” quyền và lợi ích của các quốc gia đang phát triển.

Hiện có một số ý kiến lo ngại rằng AIIB, với tham vọng thổi “một làn gió mới” vào hệ thống quản trị toàn cầu và tăng trưởng kinh tế khu vực, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giữ cân bằng giữa chất lượng và hiệu quả hoạt động.

AIIB sẽ đi vào hoạt động sau khi Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị tiến hành cuộc họp đầu tiên dự kiến diễn ra từ ngày 16-18/1/2016 tại Bắc Kinh để bầu ra Chủ tịch và Ban quản lý AIIB.

AIIB hiện có 57 thành viên, với số vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. Ấn Độ và Nga góp lần lượt 8,52% và 6,66% số vốn, nắm giữ quyền biểu quyết lần lượt 7,5% và 5,92%.

Ngân hàng đặt trụ sở tại Bắc Kinh, cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Dự kiến, AIIB sẽ cung cấp các khoản cho vay đối với các dự án đầu tư đầu tiên vào giữa năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục