Algeria: Thỏa thuận hòa bình sẽ mở ra trang sử mới cho Mali

Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra nhận định việc ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc dự kiến diễn ra ngày 15/5 tới tại Bamako sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử Mali.
Algeria: Thỏa thuận hòa bình sẽ mở ra trang sử mới cho Mali ảnh 1Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra chứng kiến lễ ký thỏa thuận hòa bình Mali tại Algiers ngày 19/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/4, Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra nhận định việc ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc dự kiến diễn ra ngày 15/5 tới tại Bamako sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử Mali - quốc gia đang tìm kiếm sự ổn định, an ninh và phát triển.

Ông Lamara nhấn mạnh với sự tham gia của các bên tại Mali và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như chính người dân nước này, việc ký thỏa thuận trên sẽ giúp tạo ra sự chuyển biến lớn trong tình hình đất nước. Trên tinh thần đó, ông Lamamra cũng nêu rõ sự ủng hộ của Algeria đối với tiến trình đối thoại hòa bình tại Mali.

Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc Mali đã được ký tắt vào ngày 1/3 vừa qua giữa chính phủ nước này và một số nhóm phiến quân ở miền Bắc, dưới sự bảo trợ của nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu, tuy nhiên, liên minh vũ trang Tuareg yêu cầu có thêm thời gian để tham vấn trước khi ký kết.

Về phía Chính phủ Mali, cũng trong ngày 21/4, Ngoại trưởng Abdoulaye Diop cho rằng một khi được ký chính thức, thỏa thuận này sẽ được thực hiện và sẽ nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Đoàn kết, Hoạt động nhân đạo và Tái thiết miền Bắc Mali Hamadoun Konaté tuyên bố các nhóm vũ trang không ký thỏa thuận trên sẽ đi ngược lại những nỗ lực hòa bình.

Cộng đồng quốc tế cũng đã ủng hộ các bên tại Mali đạt được thỏa thuận, tạo ra nền tảng vững chắc cho hòa bình. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá thỏa thuận hòa bình Mali là cân bằng và toàn diện, đồng thời hối thúc tất cả các phe phái tại nước này nắm lấy cơ hội lịch sử để giải quyết toàn diện cuộc khủng hoảng. Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu các bên cam kết thực hiện thỏa thuận trên một cách toàn diện và có hiệu quả.

Liên minh châu Phi (AU) cũng đã kêu gọi liên minh Tuareg, bao gồm cả Phong trào Dân tộc Giải phóng Azawad (MNLA), sớm ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc Mali.

Chủ tịch AU Nkosazana Dlamini Zuma nhấn mạnh điều này cũng sẽ giúp ổn định khu vực miền Bắc Mali, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi cho cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức tại Mali và khu vực Sahel (Tây Phi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục