Ấm áp Lễ Vu Lan báo hiếu của cộng đồng người Việt tại Ấn Độ

Cộng đồng người Việt tại Ấn Độ tham dự Đại lễ đã tụng Kinh Vu Lan báo hiếu mẹ cha trong bầu không khí thành kính và trang nghiêm, cầu chúc cho đấng sinh thành luôn khỏe mạnh, cho quốc thái dân an.
Ấm áp Lễ Vu Lan báo hiếu của cộng đồng người Việt tại Ấn Độ ảnh 1Toàn cảnh buổi lễ. (Ảnh: Huy Bình/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, sáng 5/9, cộng đồng tăng ni sinh Việt Nam đã phối hợp với Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu năm 2017 tại chùa Buddha Vihara ở trung tâm thủ đô New Delhi.

Tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Hạnh Chánh, Trưởng Ban đại diện tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Lê Thanh, các tăng ni sinh, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện cùng sinh viên, nghiên cứu sinh tại Ấn Độ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Đại sứ Việt Nam, bà Nguyễn Lê Thanh nhấn mạnh hiếu nghĩa và uống nước nhớ nguồn là đạo lý và lẽ sống trong truyền thống của dân tộc Việt Nam và ngày lễ Vu Lan báo hiếu có một ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.

[Người Việt tại Lào hướng về cội nguồn nhân đại lễ Vu Lan báo hiếu]

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Hạnh Chánh đã nói rõ về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo hàng năm để bày tỏ lòng thành ghi nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên.

Tất cả những người tham dự Đại lễ đã tụng Kinh Vu Lan báo hiếu mẹ cha trong bầu không khí thành kính và trang nghiêm, cầu chúc cho đấng sinh thành luôn khỏe mạnh, cho quốc thái dân an.

Kết thúc buổi lễ, những người tham dự đã được làm lễ đội xá lợi Phật.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu là hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm ý nghĩa nhân văn của cộng đồng người Việt ở Ấn Độ. Đại lễ được tổ chức hàng năm để thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của cộng đồng người Việt ở thủ đô New Delhi nói riêng và ở Ấn Độ nói chung.

Đây cũng là dịp để các tăng ni, Phật tử nhắc nhở nhau hai chữ "Tri ân," đề cao tinh thần hiếu đạo, tìm về nguồn cội tâm linh và duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh, răn dạy mỗi con người sống phải có hiếu nghĩa, biết đoàn kết, hòa thuận, đùm bọc và thương yêu nhau./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục