Amazon: Thành quả của chiến lược kinh doanh “từ A đến Z”

Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến ngày nay, hiếm doanh nghiệp nào trên thế giới có được thành quả đáng nể như Amazon (Mỹ), đó là doanh thu luôn đi lên từ ngày đầu thành lập cho đến tận bây giờ.
Amazon: Thành quả của chiến lược kinh doanh “từ A đến Z” ảnh 1Biểu tượng của Tập đoàn Amazon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến ngày nay, hiếm doanh nghiệp nào trên thế giới có được thành quả đáng nể như Amazon (Mỹ), đó là doanh thu luôn đi lên từ ngày đầu thành lập cho đến tận bây giờ.

Amazon được thành lập vào tháng 7/1994, có tên khai sinh Cadabra với cha đẻ là Jeff Bezos - hiện cũng là Tổng Giám đốc điều hành (CEO).

Không lâu sau, vào năm 1995, Cadabra được đổi tên thành Amazon và lập website chính thức với tên miền amazon.com duy trì cho đến ngày hôm nay.

Amazon xuất phát điểm là một khái niệm được đánh giá là khá mới mẻ thời bấy giờ: Cửa hàng sách trực tuyến.

Trải qua hơn 20 năm hoạt động, chốn lui tới quen thuộc đối với các tín đồ sách giờ đã trở thành doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến lớn nhất hành tinh.

"Tiệm sách” Amazon ngày nào giờ đã lớn phổng, xứng tầm với con sông nổi tiếng cùng tên vốn được doanh nghiệp lấy làm nguồn cảm hứng.

Yếu tố tạo sự khác biệt cho Amazon và giúp họ có được sự công nhận từ các thị trường toàn cầu là “nơi cung cấp hàng trực tuyến tốt nhất” chính là việc Amazon tập trung vào khách hàng và đưa ra dự đoán đúng về các xu hướng mua sắm trong tương lai.

Sau sách, Amazon bày bán mọi thứ từ đĩa nhạc CD, phần mềm, dụng cụ cho tới đồ chơi, đồ thể thao...

"Phát minh" lớn nhất của Amazon phải kể đến sách điện tử Kindle được tung ra thị trường vào tháng 11/2007 và sau này cũng chính là nguồn mang đến doanh thu khổng lồ cho Amazon.

Một mốc son chói lọi trong chặng đường hoạt động của Amazon là năm 2012, khi thu về con số ấn tượng 61 tỷ USD lợi nhuận và mở rộng đội ngũ nhân viên lên 97.000 người.

Đây chính là “trái ngọt” Amazon được hưởng từ tôn chỉ hoạt động lấy khách hàng làm gốc.

Thay vì đổ tiền vào chiến dịch tiếp thị sản phẩm, Jeff Bezos đã đi một nước cờ xuất sắc khi đầu tư vào việc làm sao để giữ cho khách hàng luôn cảm thấy hài lòng: Giảm chi phí quảng cáo; áp dụng dịch vụ chuyển hàng với mức phí “0 đồng”; và cung cấp hàng hóa với giá thấp nhất (so với các đối thủ khác).

Bí quyết thành công của Amazon đó là duy trì được quan hệ với khách hàng.

Đầu tư vào các nhãn hàng riêng cũng là hướng đi được Amazon tập trung đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những “cây quyền trượng” Amazon dùng để tạo ưu thế cạnh tranh so với đối thủ.

Tạo sự khác biệt là chiến lược kinh doanh ban đầu đề ra bởi người sáng lập Bezos.

Những năm đầu thế kỷ 21 là giai đoạn nhiều doanh nghiệp điện tử lao đao thì chính Amazon lại vươn lên thống lĩnh thị trường, cho thấy đường hướng của “cha đẻ” Bezos là đúng đắn.

Báo Pháp L’Obs số ra mới đây gọi Amazon là “người khổng lồ đáng sợ” khi tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu này đang không chỉ gây lo sợ cho các tập đoàn thương mại lớn như Carrefour hay Walmart, mà cả những đại công ty như Microsoft, Netflix hay FedEx cũng đang e ngại trước sự bành trướng của Amazon.

Lý do vì Amazon đang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất nhằm phục vụ cuộc chinh phục trọn vẹn “hành tinh bán lẻ.”

L’Obs cho biết Amazon đang lấn dần lãnh địa Internet bằng vô số ứng dụng. Không những thế, lo xa trước việc các hãng vận tải như FedEx, UPS hay dịch vụ bưu điện truyền thống không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn của mình, Amazon tự trang bị thêm đội bay bằng các máy bay vận tải lớn Boeing 767, đội xe tải riêng và gần đây nhất là tàu lượn không người lái – hiện đang trong quá trình giao hàng thử nghiệm.

Tuy vậy, chiến lược kinh doanh độc đáo của Amazon vẫn còn “kẽ hở” cần được lấp đầy. Một trong số đó lại bắt nguồn từ chính hình thái bán hàng "phong tỏa" của Amazon: Là khu chợ trực tuyến với sự góp mặt của số lượng đồ sộ các thương hiệu, Amazon không dễ để thẩm định tất cả nguồn hàng được bày bán.

Điển hình là vụ việc tháng 10/2016, Apple đệ đơn kiện công ty Mobile Star LLC (Mỹ) với cáo buộc công ty này xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa và bản quyền tác giả khi bán bộ sạc 5W USB Power Adapter và cáp sạc Lightning mà Apple cho là hàng giả trên các chợ trực tuyến, trong đó có Amazon.

Việc vận hành đội ngũ nhân viên gần 270.000 người tại các chi nhánh rộng khắp thế giới cũng là một thách thức khác đối với "đế chế" bán lẻ này.

Với lực và thế của mình, Amazon được dự đoán sẽ còn đem đến nhiều bất ngờ xứng tầm "ông Vua" của thị trường bán lẻ trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục