Ấn Độ cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ đe dọa các thành quả kinh tế

Thủ tướng Modi nhấn mạnh xu hướng chống thương mại và nhập cư, cũng như thái độ tăng cường bảo hộ và tính địa phương trên toàn cầu khiến những thành quả từ toàn cầu hóa gặp nguy hiểm.
Ấn Độ cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ đe dọa các thành quả kinh tế ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Interviews)

Ngày 17/1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo thái độ "bảo hộ và tính địa phương đang gia tăng" đe dọa các thành quả kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị địa chính trị thường niên "Đối thoại Raisina" diễn ra tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Modi nhấn mạnh xu hướng chống thương mại và nhập cư, cũng như thái độ tăng cường bảo hộ và tính địa phương trên toàn cầu, và điều này khiến những thành quả từ toàn cầu hóa gặp nguy hiểm và cũng khó đạt được các lợi ích kinh tế.

Ông cũng khẳng định sự cần thiết của việc chống lại khuynh hướng đẩy mạnh độc quyền trong một thế giới đa cực.

Theo ông, chương trình nghị sự toàn cầu cần được định hình bởi quan điểm của nhiều bên, thay vì lập trường của số ít.

Cùng ngày, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng "theo đuổi chính sách bảo hộ cũng giống như tự cô lập". Đề cập nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khẳng định "sẽ không có nước nào chiến thắng trong cuộc chiến này."

Các tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, có quan điểm cho rằng Trung Quốc và toàn cầu hóa là nguyên nhân dẫn đến việc mất hàng triệu việc làm tại các nhà máy Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng đe dọa sẽ ngăn chặn việc thuê nguồn lực bên ngoài nước Mỹ và đánh thuế hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ, một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia công ở nước ngoài của các ngành công nghiệp Mỹ, lo ngại chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến việc làm bị cắt giảm.

Hội nghị Đối thoại Raisina kéo dài ngày với sự tham gia của nhiều quan chức quân đội và chính trị từ 65 quốc gia.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd và cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng tham dự hội nghị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục