Ấn Độ: Một gia đình bị giết do nghi ngờ làm phép phù thủy

Một gia đình người Ấn Độ có 8 người đã bị chính những người cùng làng giết hại dã man do bị nghi ngờ đang thực hiện các phép phù thủy khiến trẻ em trong làng bị ốm.
Ấn Độ: Một gia đình bị giết do nghi ngờ làm phép phù thủy ảnh 1 Bà Dimbeswari Bhattarai, một bác sỹ phù thủy ở làng Uttarkuchi, bang Assam. (Nguồn: ibtimes)

Một gia đình người Ấn Độ đã bị chính những người cùng làng giết hại dã man do bị nghi ngờ đang thực hiện các phép phù thủy.

Cảnh sát cho biết, anh Gura Munda, 40 tuổi cùng vợ và 6 đứa con đang ngủ trong nhà ở Lahanda, quận Keonjhar thì một nhóm 5 người mang rìu phá cửa xông vào.

Các nghi phạm được cho là họ hàng của các nạn nhân buộc tội họ đang dùng phép phù thủy để gây bệnh tật cho trẻ em trong làng.

“Một số người dân làng đã tụ họp lại với nhau và buộc tội anh Munda biết phép phù thủy. Con cái của họ bị ốm một thời gian, và họ nghi ngờ anh Munda đứng đằng sau mọi chuyện.

Người dân ở đây hầu hết đều thất học và sẽ tin vào mọi điều họ được kể cho nghe”, sỹ quan Ajay Pratap Swain, người đang điều tra vụ việc cho biết.

Hai trong số 6 đứa con của anh Munda đã may mắn trốn thoát khỏi cuộc tấn công tàn bạo này và chạy tới báo cảnh sát.

Khi tới hiện trường, cảnh sát chỉ còn thấy các mảnh thi thể của các thành viên còn lại trong gia đình trên một vũng máu.

Giám đốc cảnh sát quận, ông Kavita Jalan cho biết đã tìm thấy một cây rìu ở hiện trường, cùng một em bé vẫn còn sống và đang bám chặt vào thi thể của người nhà. Cảnh sát đã phát lệnh truy nã 5 nghi phạm trong vụ giết người, hiện đang bỏ trốn.

Hiện tượng tự tay xử lý các vụ việc liên quan đến “phù thủy” vẫn còn rất phổ biến ở các vùng nông thôn Ấn Độ, bất chấp luật pháp đã nghiêm cấm.

Nhiều người bị khép tội dùng ma thuật đen hay phép phù thủy đã bị chính những người cùng làng đa nghi sát hại.

Theo Cục thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ, trong năm 2013 đã có 160 vụ án mạng liên quan đến săn phù thủy, tăng so với con số 119 vụ năm 2012.

Các tình nguyện viên xã hội cho rằng, cùng với việc xóa bỏ mê tín dị đoan, chính phủ cần tập trung vào việc giáo dục người dân và phát triển kinh tế.

“Người dân tin vào những điều mê tín vì họ không được chăm sóc sức khỏe, không được học hành.

Trừ phi chúng ta cung cấp cho họ những hỗ trợ cơ bản đó, còn không thì tình hình sẽ không thể cải thiện”, Debendra Sutar, thư ký Hiệp hội từ thiện Odisha Rationalist nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục