Ấn Độ tăng vị thế trên "sân chơi" vũ trụ quốc tế

Ấn Độ phóng tên lửa động cơ cryogenic tự chế đầu tiên

Ngày 5/1, Ấn Độ đã lần đầu tiên phóng thành công tên lửa GLSV-D5 sử dụng động cơ cryogenic do nước này tự chế tạo.

Ngày 5/1, Ấn Độ đã lần đầu tiên phóng thành công tên lửa GLSV-D5 sử dụng động cơ cryogenic (động cơ dùng nhiên liệu lỏng đông lạnh) do nước này tự chế tạo để đưa vệ tinh liên lạc hạng nặng lên quỹ đạo Trái Đất.

Thành công này được dự đoán sẽ là một bước tiến mới đối với ngành công nghệ không gian và tên lửa của Ấn Độ, đồng thời giúp nâng cao vị thế của quốc gia châu Á này trên "sân chơi" vũ trụ quốc tế.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), tên lửa GSLV-D5 được phóng đi từ Trung tâm Không gian Satish Dhawan tại Sri Harihota, một đảo nhỏ ở Đông Nam Ấn Độ vào lúc 16 giờ 18 (giờ địa phương) đã đưa thành công vệ tinh viễn thông GSAT 14 nặng 1,9 tấn lên quỹ đạo.

Vụ phóng có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ đưa con người lên vũ trụ nói riêng và các dự án không gian nói chung của New Delhi, giúp Ấn Độ có một vai trò lớn hơn trên thị trường vệ tinh thương mại. Bên cạnh đó, thành công này còn có thể phục vụ đắc lực cho công tác quốc phòng.

Đây là lần thử nghiệm thứ hai của ISRO trong nỗ lực sử dụng động cơ cryogenic tự chế để đưa vệ tinh liên lạc hạng nặng lên quỹ đạo Trái Đất.

Lần thử nghiệm đầu tiên vào ngày 15/4/2010, tuy nhiên, sau khi phóng, tên lửa đã bay trệch khỏi hành trình dự định ban đầu.

Các nhà khoa học ISRO cho biết 500 giây sau khi tên lửa rời bệ phóng, hai động cơ nhỏ không khởi động và động cơ cryogenic bị cháy. Vụ phóng thử sau đó lên kế hoạch vào ngày 19/8/2013 cũng đã bị hủy bỏ.

Ấn Độ bắt đầu chương trình nghiên cứu chế tạo tên lửa cryogenic từ năm 1992.

Đến nay, chỉ có năm nước gồm Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc đã chế tạo được loại tên lửa với động cơ cryogenic đủ mạnh để đưa các vệ tinh hạng nặng lên quỹ đạo địa tĩnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục