Án phạt Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể được quyết vào 27/7

EC có thể đề xuất mức phạt Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lên tới 0,2% GDP và nhiều khả năng EC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 27/7.
Án phạt Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể được quyết vào 27/7 ảnh 1Thống đốc ECB Mario Draghi. (Nguồn:THX/TTXVN)

Theo lá thư của Ủy ban châu Âu (EC) mà hãng tin Pháp AFP có được ngày 23/7, Liên minh châu Âu (EU) cần ngừng các "quỹ cơ cấu" dành cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi hai quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này không đáp ứng được yêu cầu kiềm chế nợ công.

Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã nhất trí trong tháng này về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì đã không kiểm soát được mức thâm hụt ngân sách theo Hiệp ước tăng trưởng và ổn định do EU đặt ra.

Đây là lần đầu tiên EU thực thi quyền hạn của mình để "kỷ luật" các nước thành viên vi phạm quy định về ngân sách.

Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen cho biết các yếu tố kinh tế-xã hội, trong đó bao gồm cả tỷ lệ thất nghiệp cao tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, cũng được tính đến khi quyết định mức trừng phạt.

Đính kèm lá thư trên là danh sách 12 quỹ dành cho Bồ Đào Nha và 60 quỹ cho Tây Ban Nha có thể phải ngừng hoạt động, hoàn toàn hoặc cục bộ.

Các quỹ cơ cấu thường được dùng để giải quyết tình trạng chênh lệch mang tính khu vực trong EU.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hối thúc EC đề xuất việc ngừng một phần hoặc hoàn toàn các "quỹ cơ cấu" dành cho các dự án năm 2017, coi đây như một hình thức trừng phạt hai nước thành viên Eurozone.

EC có thể đề xuất mức phạt lớn lên tới 0,2% GDP của các nước này. Theo một nguồn tin, EC có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 27/7.

Trong khi đó, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa phản đối các kế hoạch của EC, cho rằng hoàn toàn không công bằng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này với lý do không đạt mục tiêu trong năm 2015, khi mà chính EC công nhận rằng Bồ Đào Nha sẽ đạt chỉ tiêu trong năm nay.

Trước đó, Bồ Đào Nha đặt mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách từ 4,4% GDP năm ngoái xuống dưới mức 3% GDP trong năm nay. Tây Ban Nha, đang lâm vào thế bế tắc chính trị kể từ tháng 12/2015, được cho là đã thâm hụt ngân sách ở mức 5,1% GDP trong năm 2015./ .

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục