An toàn cho đập thủy điện: "Bị vỡ" từ khâu chọn chủ đầu tư

Để đảm bảo an toàn thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu phải siết chặt từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công và giám sát, loại bỏ nhà đầu tư thiếu năng lực, không có chuyên môn về ngành điện.
An toàn cho đập thủy điện: "Bị vỡ" từ khâu chọn chủ đầu tư ảnh 1Tích nước tại hồ thủy điện. (Ảnh: TTXVN)

Gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện gây ra lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân vùng hạ du. Một trong những nguyên nhân kể trên là do năng lực của chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí không có kinh nghiệm về điện lực đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng An, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đưa ra bên lề Hội nghị Báo cáo giữa kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 của Chính Phủ về công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/8, tại Hà Nội.

Theo ông An, việc chọn được chủ đầu tư trong các dự án thủy điện nhỏ (công suất dưới 30 MW) rất khó, thậm chí nhiều chủ đầu tư có tài chính nhưng không có kinh nghiệm về chuyên môn để thực hiện dự án đó, do vậy việc thi công sẽ khó đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật.

"Khó khăn lớn nhất của địa phương chính là tìm được chủ đầu tư có điều kiện về tài chính cũng như có khả năng hiểu về thi công các công trình thủy điện," ông An bày tỏ.

Cùng quan điểm với ông An, tại buội họp trên lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, sự yếu kém về năng lực chuyên môn của chủ đầu tư đang là một thách thức không nhỏ đối với việc triển khai các dự án về thủy điện nhỏ.

Thực tế, sau sự cố vỡ đê quai thủy điện Ia Krel 2 (công suất 5,5MW) trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đầu tháng Tám khiến hàng nghìn hộ dân phải sơ tán và mất điều kiện canh tác, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã phát hiện ra rằng chủ đầu tư công trình này là Công ty Cổ phân Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm mà không hiểu về chuyên môn, "giữa mùa mưa bão lại đi làm đê quai, chưa nắm rõ các quy trình về xây dựng!"

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có 284 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy là 14.698,1 MW đang vận hành phát điện; ngoài ra còn 204 dự án đang thi công (công suất 6.146,56 MW) dự kiến đến năm 2017 sẽ vận hành phát điện và 250 dự án (3.049 MW) đang nghiên cứu đầu tư.

Trong công tác ra soát quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước (kể từ khi thực hiện Nghị Quyết 11/CP), Bộ Công Thương và địa phương đã loại khỏi quy hoạch 12 dự án thủy điện nhỏ mà chủ yếu liên quan đến năng lực của chủ đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, một số nhà thầu thi công thiếu kinh nghiệm chuyên môn, thậm chí một số chủ đầu tư còn tự ý điều chỉnh quy mô, thay đổi bản thiết kế bản vẽ kỹ thuật so với Hồ sơ thiết kế mà không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với an toàn của các hồ thủy điện.

Trước thực tế trên, để đảm bảo yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội và Chính Phủ đề ra trong công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu phải siết chặt hơn nữa các khâu công việc từ khảo sát, thiết kế đến thi công và giám sát công trình, loại bỏ những nhà đầu tư thiếu năng lực thiếu chuyên môn về ngành điện.

"Việc vận hành các hồ chứa được chuyển sang cho chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương thay vì chủ hồ chứa, do vậy, sự chỉ đạo của tỉnh phải sát sao hơn. Các bộ ngành có liên quan cũng cần có sự phối hợp tốt hơn, trong trường hợp sự cố cần phải có người đứng ra chịu trách nhiệm chính, tránh đùn đẩy," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục