An toàn vệ sinh thực phẩm: Vẫn hiển hiện mối lo

Theo kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn duy trì ở mức báo động.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu tỏ ra quan ngại về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong tháng qua khi vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm, việc thanh kiểm tra chỉ mới đánh động được những hoạt động bề nổi, còn chưa chấm dứt được tận gốc rễ.

Đánh giá trên vừa được Thứ trưởng nêu ra tại cuộc họp giao ban công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (5/11), tại Hà Nội.

Vẫn còn chưa đạt

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng cho biết, tỷ lệ thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đạt vẫn chiếm ở mức cao.

Cụ thể, tính lũy kế đến tháng 10/2013, có 40/63 tỉnh trên cả nước có báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư 14. Kết quả cho thấy có tới 44,8% số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm tra đánh giá lần đầu xếp loại C và tái kiểm tra số cơ sở loại C vẫn duy trì ở mức xếp loại cũ; trong số này, có đến 97,4% cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 81,6% cơ sở giết mổ gia cầm và có đến 57,8% cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y.

Về công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội, Chi cục Thú y cũng cho biết, trong tháng 10, chi cục đã lấy 2.278 mẫu sản phẩm gia súc, gia cầm để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả có 2.202 mẫu, chiếm 96,66% mẫu kiểm tra đạt yêu cầu.

Trong khi đó, các trạm kiểm dịch đã xử lý 80 trường hợp vi phạm, trong đó 42 trường hợp cảnh cáo, 33 trường hợp tiêu hủy, tổng số phạt tiền khoảng 5.300.000 đồng.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cũng cho hay, Cục đã tiến hành kiểm tra 5.271 lô hàng có nguồn gốc nhập khẩu của trên 40 quốc gia và kiểm tra, phân tích 74 mẫu rau củ quả, kết quả phát hiện 2 mẫu hồng và táo tươi vượt mức dư lượng giới hạn tối đa cho phép.

“Như vậy, mặc dù đã tăng cường công tác quản lý cũng như thanh kiểm tra, song thực trạng những con số vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn duy trì ở mức báo động,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá.

Nối dài bàn tay xuống cơ sở

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, không thể tiếp tục mô hình quản lý truyền thống là cứ thanh kiểm tra rồi xử phạt, bởi có quá nhiều trường hợp sau khi kiểm tra, xử phạt vẫn tái vi phạm. Điều đó nói lên rằng công tác quản lý chưa đủ sức răn đe và còn nhiều kẽ hở.

Do đó, theo bà Thu, để siết chặt công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt, trong những tháng cuối năm-thời điểm thường rộ lên những vấn đề về an toàn và chất lượng nhất, các lực lượng chức năng ngoài việc cần tăng cường công tác thanh kiểm tra và mạnh tay xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm, thì cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chặt theo mô hình chuỗi từ cơ sở sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

“Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cần có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thẩm định hồ sơ đăng ký xuất nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu.

Báo cáo về tình hình nhập khẩu, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết, cho đến nay, Việt Nam đã công nhận 34 nước được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam; trong đó có 16 nước chính và 18 nước công nhận tạm thời.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh thêm, song song công tác đào tạo lực lượng cán bộ chuyên trách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai mạnh hoạt động quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đồng thời tuyên truyền công tác bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo cầu nối hiệu quả giữa nông dân, cộng đồng và cơ quan quản lý./.

Tin cùng chuyên mục