Anh đối mặt nguy cơ rủi ro tài chính do cuộc khủng hoảng Hy Lạp

Ngân hàng Trung ương Anh vừa lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Hy Lạp gây rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh.
Anh đối mặt nguy cơ rủi ro tài chính do cuộc khủng hoảng Hy Lạp ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Hy Lạp gây rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong báo cáo "Ổn định tài chính" xuất bản hai lần một năm công bố ngày 1/7, BoE nhận định triển vọng kinh tế Anh nói chung không thay đổi so với đánh giá công bố tháng 12 năm ngoái.

Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình tại Hy Lạp đang thay đổi nhanh chóng, BoE sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến và duy trì báo động về khả năng cuộc khủng hoảng Hy Lạp trầm trọng hơn có thể dẫn đến việc tái đánh giá diện rộng về rủi ro trên các thị trường tài chính.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney cho biết BoE đang "làm việc sát sao" với Bộ Tài chính Anh, Cơ quan Giám sát Dịch vụ Tài chính Anh (FCA) và những người đồng cấp châu Âu để phác thảo các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

BoE đề cập những lo ngại về Hy Lạp trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết London "hy vọng vào điều tốt đẹp nhất nhưng cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất."

Trong một tuyên bố riêng rẽ, ông Osborne cho rằng việc cấp thiết lúc này là giải quyết tình trạng không chắc chắn hiện tại cho dù người Hy Lạp quyết định thế nào. Để đảm bảo ổn định tài chính và kinh tế trên khắp châu Âu, Anh sẽ sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để bảo vệ an ninh kinh tế trong thời điểm bất ổn này.

Từ đầu tuần này, Hy Lạp đã đóng cửa hệ thống ngân hàng, áp dụng cơ chế kiểm soát ngặt nghèo nhằm ngăn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước. Athens cũng đã quá hạn thanh toán khoản nợ 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ đêm 30/6.

Bên cạnh đó, báo cáo trên cũng nêu khoản tiền phạt 30 tỷ bảng mà các ngân hàng Anh phải trả từ năm 2009 đến nay do quản lý kém cũng là một nguy cơ.

Con số này tương đương số tiền các ngân hàng đã có được để củng cố các bảng cân đối sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. BoE cho rằng các doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định cho các khoản bồi thường bổ sung.

BoE cũng đề cập nguy cơ tấn công mạng và khuyến nghị các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra khả năng kháng cự của các doanh nghiệp đối với những vụ tấn công mạng, đề xuất Bộ Tài chính cùng các công ty có tầm quan trọng đối với khu vực tài chính, ví dụ các hãng viễn thông, tham gia kiểm tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục