Anh đưa thêm chó nghiệp vụ, rào chắn tới Calais chặn người di cư

Anh thông báo triển khai thêm các biện pháp an ninh để ngăn chặn người di cư trái phép tại Calais - thị trấn cảng ở miền Bắc nước Pháp có tuyến phà và đường sắt ngầm xuyên biển gần nhất nối với Anh.
Anh đưa thêm chó nghiệp vụ, rào chắn tới Calais chặn người di cư ảnh 1Người di cư trái phép trèo qua hàng rào an ninh để tiến vào đường hầm qua eo biển Manche, do hãng Eurotunnel vận hành, tại Coquelles gần Calais. (Nguồn: AFP).

Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo cuộc khủng hoảng người nhập cư tại Calais - thị trấn cảng ở miền Bắc nước Pháp có tuyến phà và đường sắt ngầm xuyên biển gần nhất nối với Anh - có thể kéo dài qua mùa Hè, đồng thời thông báo triển khai thêm các biện pháp an ninh để bảo vệ ga đầu mối tại Pháp của hệ thống đường sắt Eurotunnel.

Phát biểu ngày 31/7 sau khi trở về từ chuyến công du 4 nước Đông Nam Á, Thủ tướng Cameron cho rằng tình hình hiện nay tại Calais là "không thể chấp nhận được."

Ông nhấn mạnh Chính phủ Anh đang làm việc tích cực với phía Pháp để cố gắng tìm ra một giải pháp và đây cũng là vấn đề mà ông đề cập đến trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Pháp François Hollande.

Trong số các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tại Calais được đề xuất sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp Cobra do Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May chủ trì ngày 31/7, Anh sẽ đưa thêm chó nghiệp vụ và rào chắn tới khu vực này.

Bên cạnh đó, một số diện tích đất thuộc sở hữu Bộ Quốc phòng Anh sẽ được sử dụng làm bãi đỗ xe tải để giải phóng tình trạng ách tắc nghiêm trọng trên đường M20 xung quanh khu vực Dover miền Nam nước Anh.

Hàng nghìn người di cư - chủ yếu đến từ các nước Syria, Eritrea, Sudan, Iran và Iraq - đang tá túc tại Calais để tìm cách lọt vào Anh qua hệ thống phà và đường sắt nối giữa hai nước. Thủ tướng Cameron thừa nhận các vụ xâm nhập trái phép, điển hình như hình ảnh hai người nhập cư bám trên nóc một chiếc xe tải đi từ Calais tới Folkestone (Anh) mà các báo Anh đăng tải ngày 31/7, đã gây ra sự gián đoạn giao thông "không thể chấp nhận" được ở cả hai đầu đường ngầm nối Pháp và Anh. Có thời điểm, hơn 7.000 xe tải đã phải xếp hàng dài hơn 50 km chờ qua đường ngầm.

Hiện Bộ Nội vụ Anh đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm giảm số người nhập cư từ Calais, bao gồm cả việc thuyết phục người di cư tới Calais đăng ký tại Pháp thay vì tìm cách tới Anh.

Trong một diễn biến liên quan đến vấn đề người di cư, cùng ngày, Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc cũng cảnh báo sự gia tăng tình trạng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp bị tấn công khi tìm cách vượt biên tới "miền đất hứa" châu Âu.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên trách trên, các cuộc tấn công vào người di cư chủ yếu xảy ra ở khu vực lân cận đảo Lesbos, phía Đông biển Aegean của Hy Lạp. Báo cáo cho rằng cơ sở hạ tầng của Hy Lạp quá "thiếu thốn" để phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho 109.000 người di cư đã đến quốc gia này trong năm nay với mong muốn thoát khỏi chiến tranh, nghèo đói và khủng bố.

Trước tình trạng trên, một tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế giấu tên đã phát động chiến dịch điều tra khi nhận được một số báo cáo cho biết nhiều người di cư trên lộ trình từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp đã bị tấn công, cướp bóc, và bị đánh cắp động cơ tàu. NGO cho rằng các vụ việc trên có sự tham gia của các "băng đảng mafia."

Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cung cấp thêm các hỗ trợ "cần thiết và mạnh mẽ" cho Hy Lạp để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục