Giàu từ dầu, bại bởi bạc

Anh em nhà Hunt: Giàu nhờ dầu, bại bởi bạc

Vào thế kỷ trước ở Mỹ, "Anh em nhà Hunt" đều giàu lên nhanh chóng nhờ dầu lửa, nhưng lụi bại khi đầu cơ vào bất động sản và bạc.
Trong thế giới đầu cơ có một trường hợp hy hữu giàu lên không nhờ đầu cơ mà lụi bại lại bởi đầu cơ, và hai anh em  đều sôi sục dòng máu đầu cơ trong người. Đó là hai anh em Benker Hunt và Herbert Hunt mà các nhà viết sử về đầu cơ gọi là "Anh em nhà Hunt".

Giàu nhờ dầu

Đã có thời ở nước Mỹ, gia đình Hunt được coi ngang bằng với gia đình Rockefeller, nếu như không nói là thậm chí còn giàu có hơn. Hai dòng họ này giống nhau ở một điểm là đều giàu lên nhanh chóng nhờ dầu lửa.

Cả hai đều đã tìm ra dầu lửa ở những vùng đất thuộc quyền sở hữu của họ. Cả hai đều sớm nhận ra cả giá trị kinh tế lẫn giá trị chính trị to lớn từ dầu lửa. Cả hai đều tìm mọi cách để mua về những vùng đất dự đoán là có nguồn dầu lửa ở nước Mỹ cũng như ở nước ngoài. Cả hai đều tận dụng nền công nghiệp dầu lửa để kinh doanh và độc quyền.

Điều khác nhau duy nhất là, ngày nay cái tên dòng họ Rockefeller vẫn còn được gắn liền với dầu lửa, trong khi cái tên của dòng họ Hunt lại không còn gợi nhớ hay khiến liên tưởng gì đến thứ “vàng lỏng” đó nữa mà lại được coi là biểu tượng cho sự thất bại trong một phi vụ đầu cơ duy nhất.

Ngay từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước, gia đình Hunt đã phát hiện ra mỏ dầu được coi là lớn nhất thế giới cho tới khi đó ở bang Texas. Sự thăng tiến về tiền bạc và ảnh hưởng chính trị của gia đình này ở Mỹ bắt đầu từ đó.

Cái tên của gia đình này không chỉ nhanh chóng trở thành thương hiệu mà còn là biểu tượng về sự kết hợp giữa giàu có và vai vế chính trị.

Người Mỹ đã so sánh gia đình này với dòng họ Kennedy vì người cha vị tổng thống sau này của nước Mỹ khi di cư từ Ireland sang cũng chỉ gần như với hai bàn tay trắng mà gây dựng nên cơ đồ lớn.

Điều khiến hai dòng tộc này khác biệt nhau là, trong khi những người con trai của dòng họ Kennedy đi từ tiền tài đến quyền lực để thực hiện tham vọng chính trị thì hai anh em nhà Hunt lại sử dụng của cải có được để mưu cầu và theo đuổi tham vọng trở nên giàu có hơn.

Đầu những năm 60, dầu lửa lại được phát hiện trong khu vực đất đai rộng lớn mà dòng họ Hunt được quyền khai thác ở châu Phi.

Vì thế, có người cho rằng, sự giàu có của dòng họ Hunt là “nước chảy chỗ trũng”, có kẻ cho rằng họ đã “may hơn khôn” - dù nói thế nào thì trong đó cũng ẩn ý ngạc nhiên, khâm phục và cả đố kỵ.

Bại bởi bạc

Cho tới thời điểm đó, đầu cơ không phải là hoạt động kinh doanh của dòng họ này và cũng chẳng phải là chủ trương hay chiến lược kinh doanh của họ.

Mọi chuyện chỉ thay đổi và số phận của gia đình này chuyển sang lối rẽ khác khi hai người con trai trưởng thành.

Với họ, nhu cầu không phải là “không bột mà gột nên hồ” như thế hệ trước mà làm cho giàu có thêm trên nền tảng giàu có mà thế hệ trước đã gây dựng thành.

Cả hai nhìn nhận ra giới hạn của sự giàu sang nhờ dầu lửa và không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của khả năng trở nên giàu có nhanh hơn và nhiều hơn nhờ đầu cơ. Không phải họ không ý thức được những rủi ro và mạo hiểm vốn rất đặc thù trong thế giới đầu cơ. Họ quá tin vào khả năng đầu cơ của chính mình. Bởi vậy, khi sai lầm không còn có thể khắc phục được nữa thì chỉ sai lầm duy nhất ấy đã làm cho dòng họ này gần như lụi bại.

Quyết định đầu cơ của họ có liên quan đến bối cảnh kinh tế và chính trị thời đó ở nước Mỹ và trên thế giới. Đó là thập niên 70 của thế kỷ trước. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã làm xói mòn sự tự tin của người Mỹ và nước Mỹ, khiến cho lạm phát gia tăng.

Đồng thời, đó cũng là thời kỳ đồng đôla Mỹ bị mát giá nghiêm trọng, chế độ bản vị vàng sụp đổ, lòng tin vào đồng tiền bằng giấy bị sa sút nghiêm trọng.

Vì ở Mỹ từ năm 1933 đã cấm tư nhân tàng trữ vàng nên hai anh em nhà Hunt quyết định đầu cơ vào bất động sản và bạc. Về sau, hai người có biện minh cho chủ trương này bằng lập luận rằng, họ làm vậy để cứu tài sản gia đình khỏi bị mất giá trị.

Nhưng nếu nhìn vào những hành xử của họ khi đầu cơ vào bạc thì sẽ thấy không hẳn như vậy. Thời đấy, giá bạc rất thấp, có 1,5 USD/ounce. Đối với hai người này thì giá ấy đã “thấp đến mức không còn có thể thấp hơn được nữa”, có nghĩa là chỉ có thể tăng trong thời gian tới.

Từ năm 1970 đến 1973, hai anh em nhà Hunt mua vào 200.000 ounce bạc và đẩy giá bạc tăng lên gấp đôi. Năm 1974, anh em nhà Hunt công bố đang sở hữu 55 triệu ounce bạc, tương đương với 8% toàn bộ khối lượng bạc dự trữ trên toàn thế giới.

Việc đó khiến cho các sở giao dịch chứng khoán và các cơ quan kiểm soát ngân hàng, tài chính và chứng khoán giật mình. Năm đó, giá bạc leo thang tới mức 6 USD/ounce. Lo ngại về việc dòng họ Hunt sẽ chiếm lĩnh địa vị chế ngự thị trường bạc là hoàn toàn có cơ sở.

Điều đặc biệt khiến bên ngoài lo ngại nữa là cách đầu cơ của anh em nhà Hunt. Họ không mua về và tàng trữ bạc dưới hình thức các hợp đồng mua bán theo thời hạn - như vẫn thường thấy ở các nguyên vật liệu khác - mà sử dụng trên thực tế.

Mua cũng mua thật và bán cũng bán thật. Đối với họ, phương tiện thanh toán là bạc chứ không phải đồng đô la đang bị mất giá.

Họ chuyển phần lớn lượng bạc mua về được sang châu Âu, chủ yếu để ở Thụy Sỹ vì lo ngại đến khả năng sẽ bị tịch thu nếu để ở Mỹ như đã từng xảy ra với vàng cách đó 40 năm.

Chiến lược của họ là cứ mua bạc vào để độc quyền về giá cả. Sai lầm lớn nhất và tai hại nhất của họ là không trù tính hết mức độ đối phó của các cơ quan kiểm soát và quản lý thị trường chứng khoán.

Năm 1979, anh em nhà Hunt tiếp tục mua khối lượng lớn bạc và đẩy giá bạc lên tới 16 USD/ounce. Đó là giọt nước làm chảy tràn cốc.

Các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán e ngại rằng, nếu anh em nhà này cứ tiếp tục mua về như vậy và bạc bị rút khỏi thị trường để lưu trữ lại ở đâu đó thì khối lượng bạc mà các ngành công nghiệp cần cho sản xuất hàng ngày sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

Vì vậy họ đã tiến hành biện pháp khiến nhà Hunt suýt chút nữa thì bị phá sản, đó là thay đổi quy định. Quy định mới chỉ cho phép nhà đầu tư hoặc đầu cơ giữ tối đa 3 triệu ounce bạc, phần còn lại phải bán đi trước tháng 2/1980. Đồng thời, các nhà đầu tư và đầu cơ buộc phải tăng dự trữ tiền bắt buộc nếu giá bạc tăng.

Anh em nhà Hunt đi vay tiền để tiếp tục mua bạc, đẩy giá bạc lên tới 30 USD/ounce. Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đối phó bằng biện pháp hạn chế số lượng hợp đồng giao dịch và rồi cuối cùng không cho phép mua vào mà chỉ chấp nhận bán ra, và thế là giá bạc bắt đầu xuống dốc.

Và khi Cục Dữ trữ Liên bang nâng lãi suất chủ đạo thì cũng là lúc anh em nhà Hunt biết rằng số phận của họ đã được định đoạt.

Tháng 3/1980, họ phải vay nợ 1,3 tỷ USD để thoát ra khỏi khối lượng bạc khổng lồ đã tàng trữ. Năm 1988, họ buộc phải tuyên bố phá sản. Sai một ly đi một dặm, vậy là anh em nhà Hunt đã sai lầm với cả một chiến lược đầu cơ.

Họ đã đánh giá sai đối thủ đáng gờm nhất của bất cứ nhà đầu cơ nào là cơ quan quản lý của nhà nước. Cho tới nay, trong thế giới đầu cơ chưa có nhà đầu cơ nào đối đầu với nhà nước mà thành công./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ 
Doanh nhân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục