Anh hoài nghi vai trò đứng đầu của Mỹ trong vấn đề Trung Đông

Anh không thể tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề Trung Đông và cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước châu Âu nhằm đảm bảo thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn được duy trì.
Anh hoài nghi vai trò đứng đầu của Mỹ trong vấn đề Trung Đông ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 27/1. (Nguồn: Reuters)

Trong một báo cáo công bố ngày 2/5, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế của Thượng viện Anh David Howell nhấn mạnh Anh không cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục có cùng quan điểm với phương Tây trong vấn đề Trung Đông.

Viện dẫn cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Iran và cuộc xung đột Israel-Palestin, báo cáo nêu rõ chính quyền mới của Mỹ có nguy cơ gây bất ổn hơn nữa ở khu vực Trung Đông. Tổng thống Donald Trump có những quan điểm không mang tính xây dựng, thậm chí có thể làm leo thang xung đột tại đây.

Theo báo cáo trên, Anh không có sự lựa chọn nào nhằm giảm xung đột tại khu vực trên do xuất khẩu của nước này sang các nước Trung Đông lớn hơn nhiều so với xuất khẩu sang cả Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại, và đầu tư từ các nước khu vực Trung Đông vào Anh cũng "vô cùng quan trọng."

Do đó, Anh cần hợp tác với các đối tác châu Âu nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các ngân hàng cho vay tiền để đầu tư ở Iran và giúp phát triển các mối quan hệ thương mại mới với Tehran. Đây được xem là 1 ưu tiên của Anh trong chính sách thương mại thời hậu Brexit.

Anh cũng cảnh báo nếu chính quyền mới của Mỹ phá hủy thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga, cùng với Đức), đồng thời không nới lỏng trừng phạt Teheran, cũng tức là tạo điều kiện cho Iran hướng đến các mối quan hệ thương mại lớn hơn với các cường quốc như Trung Quốc và Nga.

Theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 ký kết hồi tháng 7/2015 sau 18 tháng đàm phán khó khăn, Tehran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế về tài chính, kinh tế và dầu mỏ.

Thỏa thuận này được cho là một trong những di sản ngoại giao nổi bật của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, song lại vấp phải nhiều chỉ trích, thậm chí đe dọa xóa bỏ, từ Tổng thống Trump.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi thỏa thuận hạt nhân trên là một thỏa thuận "tồi nhất" và chính quyền dưới thời ông Trump đã bắt đầu xem xét lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran có phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục