Anh khan hiếm trầm trọng lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực

Anh đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong 60 ngành nghề khác nhau, đáng kể nhất là tình trạng thiếu kỹ sư, chuyên gia IT, nhân viên chăm sóc y tế và kế toán viên.
Anh khan hiếm trầm trọng lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực ảnh 1Phố Oxford, trung tâm thủ đô London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Anh đang đối mặt với tình trạng giảm sụt mạnh nguồn nhân lực từ hơn 1 năm nay do những bất ổn định của "cú sốc" Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, chính sách thắt chặt nhập cư khi Anh chính thức rời khỏi EU dù chưa bắt đầu, nhưng các công ty tại Xứ sở Sương mù đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong 60 ngành nghề khác nhau, đáng kể nhất là tình trạng thiếu kỹ sư, chuyên gia IT, nhân viên chăm sóc y tế và kế toán viên.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn khẳng định đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt nhập cư, quyết tâm giảm số người nhập cư xuống dưới 100.000 người/năm, so với con số hiện nay là gần 300.000 người.

Người nhập cư là những người có visa vào Anh thời hạn trên 1 năm, do vậy du học sinh, những người nước ngoài làm việc tại Anh đều được xếp vào diện người nhập cư.

[Bước chân rời EU, kinh tế Anh bị ảnh hưởng tác động thế nào?]

Liên đoàn Việc làm và Tuyển dụng của Anh (REC) cho biết theo báo cáo hàng tháng về tình hình thị trường việc làm, tình trạng thiếu nhân lực tiếp tục gia tăng đối với cả lao động hợp đồng ngắn hạn và dài hạn.

Giám đốc điều hành REC Kevin Green cho biết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề sẽ buộc Chính phủ Anh sau bầu cử phải đầu tư vào việc đào tạo, hướng nghiệp để đảm bảo đủ nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động.

Theo ông Green, hiện nhu cầu tuyển dụng gia tăng trong khi số người đáp ứng được yêu cầu công việc ngày một ít hơn.

Kết quả điều tra từ 400 công ty tuyển dụng cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực tư nhân nhưng giảm trong lĩnh vực công. Số người nhận được việc làm hợp đồng dài hạn tăng chậm nhưng số người nhận công việc hợp đồng ngắn hạn hoặc bán thời gian tăng nhanh.

Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn định đối với người lao động, bởi những người làm ở khu vực kinh tế tư nhân thường không có ngày nghỉ hoặc nghỉ ốm không được trả lương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục