Anh thành lập trung tâm đầu tiên nghiên cứu vấn đề Brexit

Đại học Thành phố Birmingham đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu Brexit với mục tiêu mở rộng vùng giao thoa về quan điểm giữa phe ủng hộ và phe phản đối
Anh thành lập trung tâm đầu tiên nghiên cứu vấn đề Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)

Để tiến trình đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, diễn ra thuận lợi và suôn sẻ, ngày 26/1, Đại học Thành phố Birmingham (BCU) đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu Brexit (CBS) với mục tiêu mở rộng vùng giao thoa về quan điểm giữa phe ủng hộ và phe phản đối, từ đó tìm giải pháp tranh thủ cơ hội, giảm thiểu thách thức và vượt qua khó khăn.

Đây là trung tâm đầu tiên được thành lập ở nước Anh tập trung nghiên cứu vấn đề Brexit.

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Alex De Ruyter - Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Trường Thương mại trực thuộc BCU, nhấn mạnh rằng Brexit mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho nước Anh. Điều quan trọng là người dân đảo quốc đang theo dõi rất sát sao và nghiêm túc tất cả mọi khía cạnh của tiến trình Brexit.

Vì vậy, sự ra đời của CBS sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đánh giá các tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực, của Brexit, giúp cộng đồng xã hội có cái nhìn sâu rộng hơn về một giai đoạn lịch sử mà Vương quốc Anh đang phải trải qua. Hoạt động nghiên cứu của CBS sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như kinh tế, thương mại, an ninh quốc gia, tội phạm, văn hóa...

Bên cạnh đó, CBS sẽ thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ giao lưu để chia sẻ nhận thức, đặc biệt là giữa các đối tượng chịu tác động từ Brexit.

Thông qua những hoạt động này, CBS hy vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho giới doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác, đồng thời giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về tính chất phức tạp, đan xen của tiến trình Brexit.

Ngay tại buổi ra mắt, CBS đã công bố bản báo cáo có tựa đề "Mang lại thành công cho tiến trình Brexit" với nhiều giải pháp về thương mại, năng lượng, môi trường, luật pháp... nhằm duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế Anh, đặc biệt là khu vực miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục