Anh và EU chưa ấn định được ngày bắt đầu tiến hành đàm phán

Thời điểm bắt đầu đàm phán dự kiến là ngày 19/6, song kế hoạch này ít khả năng được thực thi sau khi Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May mất đa số tại quốc hội trong cuộc bầu cử trước thời hạn.
Anh và EU chưa ấn định được ngày bắt đầu tiến hành đàm phán ảnh 1(Nguồn: BBC)

Ngày 12/6, người đứng đầu nhóm đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) với Anh Michel Barnier đã gặp ông Olly Robbins, quan chức cấp cao trong Bộ phụ trách Brexit của Anh, và Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow để thảo luận lịch trình các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Tuy nhiên, hai bên chưa ấn định được ngày bắt đầu tiến trình đàm phán 2 năm về vụ "ly hôn" lịch sử này.

Trước đó, thời điểm bắt đầu đàm phán dự kiến là ngày 19/6, song kế hoạch này ít khả năng được thực thi sau khi Chính phủ của Thủ tướng Theresa May mất đa số tại quốc hội trong cuộc bầu cử trước thời hạn và có nguy cơ phải xem xét lại kế hoạch Brexit của mình.

Một quan chức giấu tên cho biết tại cuộc gặp nói trên, hai bên đã nhất trí tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc ở cấp chuyên viên trong tuần này, và như vậy hiện chưa có ngày nào được ấn định để bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit.

Nội dung thảo luận tại cuộc gặp này tập trung vào thời gian biểu cho các cuộc đàm phán, cũng như thứ tự các cuộc đàm phán. EU muốn áo dụng chu kỳ đàm phán 4 tuần, trong đó mỗi tháng thảo luận một chủ đề.

Brussels cảnh báo thời gian không còn dài để bắt đầu đàm phán về các điều khoản "ly hôn" và một thỏa thuận thương mại trong tương lai, bởi về lý thuyết, Anh sẽ chính thức rời EU từ tháng 3/2019. Theo quan chức trên, EU đã sẵn sàng bắt đầu đàm phán bất cứ lúc nào.

Chính phủ của Thủ tướng May đã lên các kế hoạch Brexit "cứng," bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu. Tuy nhiên, thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh.

Lãnh đạo phe Bảo thủ Scotland Ruth Davidson ngày 12/6 tuyên bố Chính phủ Anh cần coi kinh tế là trọng tâm của chiến lược Brexit, thay vì chỉ tập trung vào giảm nhập cư. Trong khi đó, Bộ trưởng đại diện cho Scotland trong chính phủ, ông David Mundell cho biết thỏa thuận cuối cùng về Brexit cần phải được toàn bộ các đảng phái trong quốc hội Anh ủng hộ.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, phe Bảo thủ Scotland đã có thêm 12 ghế trong quốc hội, tạo điều kiện cho bà Davidson có thêm tiếng nói về định hướng chính sách của chính phủ. Bà là người ủng hộ quan điểm cho rằng quy chế thị trường chung phải là một phần của mọi thỏa thuận về Brexit trong tương lai.

Tuy nhiên, bà cũng hiểu yêu cầu này có thể rất khó đạt được vì các lãnh đạo EU liên tục khẳng định quy chế thị trường chung phải đi kèm với nguyên tắc tự do di chuyển, theo đó người lao động được tự do kiếm việc làm trong các nước thành viên thị trường chung.

Trong một diễn biến liên quan, tờ The Daily Telegraph của Anh ngày 13/6 đưa tin các bộ trưởng cấp cao thuộc chính phủ Bảo thủ của bà May cùng các thành viên Công đảng đối lập đã tổ chức các cuộc thảo luận kín nhằm đảm bảo một Brexit "mềm," theo đó buộc nữ thủ tướng phải có những nhượng bộ về vấn đề nhập cư, liên minh hải quan châu Âu và thị trường chung.

Các nghị sỹ tham gia các cuộc hội đàm kín nói trên được cho là những người ủng hộ Anh ở lại EU.

Tờ báo cũng cho biết bà May đã biết về các cuộc thảo luận này nhưng không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục