Anh và Pháp thành lập trung tâm chống di cư bất hợp pháp

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May ngày 20/8 đã ký thỏa thuận thành lập Trung tâm hỗn hợp Anh-Pháp về chống di cư bất hợp pháp.
Anh và Pháp thành lập trung tâm chống di cư bất hợp pháp ảnh 1Người nhập cư tại khu vực cảng Calais, miền bắc Pháp ngày 3/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May ngày 20/8 đã ký thỏa thuận thành lập Trung tâm hỗn hợp Anh-Pháp về chống di cư bất hợp pháp.

Theo thỏa thuận này, cảnh sát Pháp cùng chó nghiệp vụ tại thành phố cảng Calais sẽ được tăng cường để khám xét các xe tải xem có chở người di cư hay không, trong khi phía Anh có nghĩa vụ đầu tư 22 triệu Bảng Anh (34,5 triệu USD) để xây dựng các rào chắn, lắp các video giám sát và các máy hồng ngoại dò chuyển động.

Hai bên cũng cam kết tăng cường hoạt động trợ giúp nhân đạo bằng cách cung cấp thêm lều tạm và hỗ trợ những người di cư dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, để tránh nguy cơ họ bị lạm dụng.

Cũng theo thỏa thuận, Pháp và Anh nhất trí tiến hành hội nghị về vấn đề di cư bất hợp pháp ở cấp Liên minh châu Âu (EU).

Hội nghị sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) trước cuối năm 2015. Bộ trưởng Nội vụ Anh và Pháp nhấn mạnh các nước EU cần phân biệt người di cư lao động với người di cư khỏi các cuộc xung đột cần được ưu tiên trợ giúp.

Bà May cho biết Bộ trưởng Các vấn đề di cư Anh James Brokenshire cũng đã hội đàm với đại diện chính quyền Bỉ và Hà Lan về công tác tương tự tại một số thành phố cảng của Bỉ và Hà Lan có thể bị người di cư dùng làm điểm trung chuyển để vào châu Âu.

Bà cũng nhấn mạnh người di cư tìm cách vào châu Âu thông qua các tổ chức tội phạm và buôn người vì vậy cần phải ngăn chặn hoạt động của những tổ chức tội phạm này.

Calais là thành phố cảng ở Đông Bắc nước Pháp, nơi nhiều người di cư, trước hết là từ các nước châu Phi hướng tới với hy vọng từ đây vào Anh.

Tháng 7 vừa qua, chính quyền Pháp phải đối phó với một làn sóng người di cư chưa từng có, chỉ trong một ngày đêm có tới 2.500 lượt người tìm cách vượt qua đường hầm eo biển Manche để vào Anh.

Ít nhất đã có 9 người di cư thiệt mạng tại đây khi tìm cách vượt đường hầm. Hiện làn sóng này đã giảm bớt, tuy nhiên hàng ngày cảnh sát vẫn ghi nhận tới 200 trường hợp tìm cách vượt biên như vậy.

Hiện tại Calais tập trung hơn 3.000 người di cư, phần lớn đến từ Eriteria, Sudan và Somalia. Tất cả đều muốn tới Anh, nơi có chương trình an sinh xã hội hấp dẫn, khả năng nhận được quy chế tị nạn và trợ cấp tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục