Áo kêu gọi kiểm soát lâu dài lộ trình Balkan ngăn người tị nạn

Áo cho rằng cần tiến hành kiểm soát lâu dài biên giới dọc tuyến lộ trình Balkan như một biện pháp ngăn chặn dòng người tị nạn vào châu Âu.
Áo kêu gọi kiểm soát lâu dài lộ trình Balkan ngăn người tị nạn ảnh 1Hành trình vượt biển Aegean đầy nguy hiểm của người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos, Hy Lạp ngày 30/10/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Áo cho rằng cần phải tiến hành kiểm soát lâu dài đường biên giới dọc tuyến lộ trình Balkan như một biện pháp nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào châu Âu.

Quan điểm trên được đưa ra trong bối cảnh làn sóng di cư ồ ạt từ các nước đang xảy ra xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi sang khu châu Âu vẫn tiếp diễn, làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh bất ổn tại các quốc gia tiếp nhận người nhập cư.

Trả lời phỏng vấn trên báo Bưu điện sông Rhein (RP) của Đức ngày 19/8, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz khẳng định cần đóng cửa tuyến lộ trình Balkan và nó sẽ giúp ngăn chặn người tị nạn từ một nước Liên minh châu Âu (EU) như Hy Lạp đi vào một nước không thuộc EU như Macedonia.

Nhà ngoại giao Áo cũng chỉ trích chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi mở cửa chào đón người tị nạn hồi tháng 9 năm ngoái.

Ông cũng kêu gọi châu Âu phải xem xét lại Hiệp ước Dublin, cũng như phải áp dụng các nguyên tắc của những nước đã ngăn chặn thành công dòng người tị nạn, như Tây Ban Nha hay Australia. Theo ông, các trường hợp di cư bất hợp pháp sẽ không được phép tị nạn ở châu Âu.

Trong khi đó, tại Đức, gói biện pháp an ninh được chính phủ lên kế hoạch thực hiện đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân nước này.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được Viện YouGov công bố ngày 19/8, có tới 85% số người được hỏi ủng hộ quy định trục xuất nhanh chóng các trường hợp người tị nạn bị bác đơn hoặc phạm tội ở Đức.

Theo thống kê, có khoảng 220.000 người tị nạn nằm trong trường hợp này. Bên cạnh đó, cũng có tới 82% số ý kiến ủng hộ chủ trương tăng cường lực lượng cảnh sát và tình báo nhằm đảm bảo an ninh tại Đức.

Ngoài ra, cũng có 67% ủng hộ tăng cường giám sát Internet và 60% tán thành việc bỏ quốc tịch kép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục