Áp lực đối với Chính phủ Bồ Đào Nha vẫn chưa giảm

Tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha đã giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua, tuy nhiên, áp lực đối với chính phủ vẫn chưa giảm.
Viện Thống kê quốc gia Bồ Đào Nha (NSI) ngày 7/8 cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua, tuy nhiên, áp lực đối với chính phủ liên minh của Thủ tướng Pedro Passos Coelho vẫn chưa giảm khi cùng ngày, Bộ trưởng Ngân khố mới được bổ nhiệm cuối tháng trước, tuyên bố từ chức.

Theo NSI, các thống kê sơ bộ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha trong quý 2 đã giảm xuống 16,4% so với mức kỷ lục 17,7% trong quý đầu tiên. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào giảm kể từ khi nước này nhận cứu trợ hồi năm 2011. Mặc dù NSI không đề cập yếu tố giúp giảm thất nghiệp, song có thể thấy dịp nghỉ Hè thường tạo ra nhiều việc làm hơn, đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động tăng. Số người thất nghiệp giảm mạnh nhất (3,6 điểm %) ở vùng Algarve, một trong những điểm đến hàng đầu của du khách châu Âu.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm thực sự là tin vui đối với Chính phủ liên minh Bồ Đào Nha, vốn chỉ vừa thoái khỏi khủng hoảng hồi tháng trước khi cả Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố từ chức chỉ cách nhau 48 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, tin vui về dấu hiệu khởi sắc trên thị trường việc làm lại được công bố cùng ngày với việc Bộ trưởng Ngân khố mới Joaquim Pais Jorge từ chức do bị cáo buộc liên quan tới các hợp đồng hoán đổi lãi suất của Chính phủ Bồ Đào Nha trước khi nước này phải xin cứu trợ vỡ nợ.

Trước đó, báo chí Bồ Đào Nha cho rằng ông Joaquim Pais Jorge có vai trò chủ chốt trong các bản hợp đồng hoán đổi mang tính "rủi ro cao," vốn được coi là nguyên nhân góp phần đẩy Bồ Đào Nha tới bờ vực vỡ nợ.

Theo các nguồn tin được báo chí tiết lộ, năm 2005, ông Joaquim Pais Jorge, khi đó là giám đốc chi nhánh ngân hàng Citibank của Mỹ tại thủ đô Lisbon đã đề xuất các hợp đồng hoán đổi lãi suất với Chính phủ. Mục đích của các bản hợp đồng này là đối phó với tỷ lệ lãi suất tăng từ các khoản vay, theo đó Chính phủ Bồ Đào Nha có thể "điều chỉnh" mức thâm hụt nợ công. Tuy nhiên, các bản hợp đồng này đã gây thiệt hại lớn khi tỷ lệ lãi suất giảm, buộc các công ty nhà nước Bồ Đào Nha phải trả hàng trăm triệu euro cho các ngân hàng quốc tế. Điều này khiến tình trạng nợ nần của Bồ Đào Nha càng tồi tệ hơn.

Trong đơn từ chức, ông Joaquim Pais Jorge đã phủ nhận các cáo buộc, và cho rằng sự chú ý của giới truyền thông vào các vấn đề xảy ra từ 8 năm trước là "quá quắt," đồng thời mang động cơ chính trị.

Hiện Bộ trưởng Tài chính Luis Maria Albuquerque cũng đã bị quốc hội điều tra về vai trò của bà trong các bản hợp đồng tương tự khi bà còn là Giám đốc tài chính tại công ty cơ sở hạ tầng đường sắt nhà nước Refer./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục