Argentina khẳng định không có tài sản bị phong tỏa ở Mỹ

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof khẳng định nước này không có tài sản có khả năng bị các quỹ đầu cơ phong tỏa ở Mỹ, theo như phán quyết của thẩm phán Tòa án New York Thomas Griesa.
Argentina khẳng định không có tài sản bị phong tỏa ở Mỹ ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof. (Nguồn: panamericanworld)

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof ngày 17/8 khẳng định nước này không có tài sản có khả năng bị các quỹ đầu cơ phong tỏa ở Mỹ, theo như phán quyết của thẩm phán Tòa án New York Thomas Griesa.

Theo ông Kicillof, Argentina không có tài sản thương mại tại Mỹ, sau khi ông Griesa đưa ra thời hạn Buenos Aires phải thông báo về vấn đề này trong vòng 10 ngày kể từ hôm 11/8.

Ông Griesa, người thụ lý vụ kiện liên quan tới nợ nước ngoài của Argentina, cho rằng nước này đã không cung cấp thông tin về tất cả tài sản ở Mỹ nhằm có cơ sở phân loại những tài sản không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như phán quyết của Tòa án New York đưa ra ngày 25/9/2013, do đó ông này quyết định cho phép các chủ nợ, đặc biệt là các quỹ đầu cơ như NML Capital hay Aurelius Capital Management, được tịch thu hoặc phong tỏa tài sản quốc gia để trừng phạt nước này.

Mọi tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ Argentina ở Mỹ, trừ các tài sản ngoại giao và quân sự, đều bị coi là tài sản có mục đích thương mại và các quỹ đầu cơ hay còn gọi là “quỹ kền kền” sẽ được quyền phong tỏa.

Ông Kicillof nhấn mạnh rằng từ 2 năm nay, các quỹ đầu cơ âm mưu phong tỏa tài sản của Chính phủ Argentina thậm chí của cả Tập đoàn năng lượng Enarsa, Tập đoàn dầu khí YPF và Ngân hàng trung ương Argentina, nhưng điều này không thể thực hiện được bởi tài sản của các tập đoàn nhà nước này không thuộc tài sản của Kho bạc Argentina.

Bộ trưởng Kicillof cũng cho rằng trái phiếu Bonar 24 mà nước này phát hành hoàn toàn phù hợp luật pháp Argentina và các chủ nợ không có quyền can thiệp vì không liên quan tới nợ nước ngoài.

Hồi tháng Tư vừa qua, Chính phủ Argentina đã phát hành thành công trái phiếu Bonar 24 và đã thu về 1,415 tỷ USD, cao gần gấp ba lần so với dự kiến ban đầu là 500 triệu USD. Sau đó, các quỹ đầu cơ đã yêu cầu thẩm phán Griesa ngăn cản các chủ đầu tư thanh toán trái phiếu Bonar 24 với quốc gia Nam Mỹ này vì cho rằng trên thực tế đây là nợ nước ngoài của Buenos Aires và cần phải phong tỏa việc bán nợ này.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010, trong đó, Buenos Aires đã thuyết phục được các chủ nợ của 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.

Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina lên Tòa án New York, đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD.

Thẩm phán Griesa đã ra phán quyết ủng hộ các quỹ này, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD.

Cho tới nay, Buenos Aires vẫn luôn phản đối phán quyết trên và tìm cách thanh toán cho các chủ nợ mà nước này công nhận trong khi bỏ qua các "quỹ kền kền." Cuộc chiến giữa các chủ nợ đầu cơ với chính phủ Argentina vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có hồi kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục