Argentina lo ngại về tình hình lạm phát và thâm hụt ngân sách

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Alfonso Prat-Gay tuyên bố kiềm chế lạm phát và cân bằng ngân sách là những mối lo hàng đầu của chính phủ hiện nay trong lĩnh vực kinh tế.
Argentina lo ngại về tình hình lạm phát và thâm hụt ngân sách ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Alfonso Prat Gay phát biểu tại Buenos Aires. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/1, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Alfonso Prat-Gay tuyên bố kiềm chế lạm phát và cân bằng ngân sách là những mối lo hàng đầu của chính phủ hiện nay trong lĩnh vực kinh tế.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Prat-Gay cho biết chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để kiềm chế lạm phát ở mức từ 20 đến 25% trong năm nay như mục tiêu đề ra, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách tương đương 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong bối cảnh đất nước đang tăng cường xuất khẩu.

Cũng theo ông Prat-Gay, kinh tế của Argentina sẽ đạt mức tăng trưởng từ 0,5 đến 1% trong năm nay và vào khoảng trung bình 4,5% trong ba năm tới.

Con số này khác với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đó GDP của nền kinh tế thứ ba Mỹ Latinh suy giảm 0,7% trong năm 2016.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Argentina tăng trưởng 0,5% năm 2014 và ở mức 0,4% năm ngoái.

Bộ trưởng Prat-Gay cũng cho biết trong tuần tới, Argentina sẽ đưa ra đề xuất thanh toán nợ với các chủ nợ đầu cơ trong vụ kiện nước này ở tòa án New York (Mỹ).

Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) sẽ tiếp nhận các khoản vay từ 4 đến 6 tỷ USD của các thể chế tài chính quốc tế nhằm tăng cường dự trữ ngoại tệ sau khi dỡ bỏ trần tỷ giá hối đoái, khiến đồng nội tệ mất giá tới 40%.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã thực hiện một loạt cải cách về kinh tế nhằm thực thi các cam kết trong chiến dịch tranh cử, đó là tiến hành một cuộc cách mạng triệt để trong điều hành kinh tế vĩ mô, thay đổi hoàn toàn mô hình hiện nay vốn bị chỉ trích là quá bảo hộ cản trở kinh tế phát triển.

Chính phủ của Tổng thống Macri cũng hy vọng giảm mức thâm hụt ngân sách xuống 2,5% GDP, bằng việc cắt giảm tối đa các khoản trợ cấp và chi tiêu, cũng như dự kiến cắt hợp đồng lao động của 10.000 viên chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục